10 KINH NGHIỆM VIẾT CV VÀ PHỎNG VẤN CHO SINH VIÊN MỚI RA TRƯỜNG

tuyendung

Tài xế mới
Các bạn sinh viên năm nay ra trường rất không may vì dịch bệnh Covid-19, ILO dự kiến 1.6 tỷ người thất nghiệp, nên cơ hội tìm việc sẽ khó khăn cho sinh viên vì chưa có kinh nghiệm làm việc, tuy nhiên sau đây là 10 kinh nghiệm khi viết CV và phỏng vấn chắc chắn các bạn sẽ được nhà tuyển dụng chú ý và đánh giá mà không cần kinh nghiệm làm việc:

1. Nguồn gốc bản thân

Đây là một trong những tiêu chí mà nhà tuyển dụng quan tâm, hãy giới thiệu về nơi xuất phát của mình và gia đình. Hãy tự hào về nơi mình sinh ra, bố mẹ, anh chị em và giới thiệu một cách chân thành. Nguồn gốc bản thân sẽ hình thành một phần tính cách và thói quen của ứng viên và cũng đánh giá được về cuộc sống hiện tại cũng như xu hướng tương lai của ứng viên.

2. Quá trình học tập

Tiêu chí này đánh giá về khả năng học tập và thiên hướng của ứng viên, sẽ giúp nhà tuyển dụng cân nhắc tuyển dụng vào các bộ phận và vị trí phù hợp, có thể bạn ứng tuyển vị trí A nhưng được cân nhắc vị trí B phù hợp và tốt hơn. Hãy nói rõ mình thích học môn gì, có năng khiếu gì trong học tập, từng thi cử gì hoặc tự sáng tác gì, có bằng chứng cụ thể càng tốt.

3. Ước mơ và dự định cá nhân

Tuổi thơ bạn ước mơ gì, và điều gì đã thay đổi hoặc quyết định việc bạn lựa chọn nghề nghiệp hiện tại. Bạn đã làm gì trong quá trình học tập và cuộc sống để đi đến ngày hôm nay. Định hướng tiếp theo của bạn là gì. Hãy cho nhà tuyển dụng biết được ước mơ và ấp ủ tiếp theo của mình.

4. Cuộc sống sinh viên

Hãy mô tả cuộc sống sinh viên của bạn, nhà tuyển dụng đánh giá cao tính tự chủ của ứng viên trong thời gian sinh viên đại học. Hãy mô tả các công việc làm thêm, các nỗ lực học tập, và những gì bạn nhận thức được trong quãng thời gian cuộc sống sinh viên này.

5. Quan điểm sống

Hãy mô tả về quan điểm sống của bạn đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Bạn thuộc tuýp người nội tâm hay xã giao, có quan tâm đến chính trị, kinh tế, xã hội như thế nào. Quan điểm về tiền bạc, sự nghiệp, gia đình hay cách bạn phản ứng với cuộc sống.

6. Công việc ứng tuyển

Hãy tìm hiểu về công ty và công việc ứng tuyển, tìm hiểu chi tiết và đầy đủ nhất về công ty, công việc sẽ làm và kiến thức xung quanh để có hiểu biết nhất định về thị trường và tiềm năng, cơ hội công việc sẽ làm. Thông qua đó thể hiện mong muốn được làm công việc ứng tuyển. Nếu có các đề xuất chủ động càng tốt, thể hiện sự khao khát, cam kết và mong muốn được làm việc.

7. Phỏng vấn sơ loại

Nhà tuyển dụng thường sẽ sơ loại CV và phỏng vấn trước qua điện thoại để xác minh CV, các thông tin trong CV và sẽ phỏng vấn qua các nội dung ở trên. Ứng viên cần thể hiện bản thân qua trả lời phỏng vấn tập trung, diễn đạt tốt, hiểu được câu hỏi, trả lời rõ ràng và đặc biệt chú ý cách xưng hô, giọng nói thiện cảm.

8. Phỏng vấn trực tiếp

Nhà tuyển dụng có thể quan sát ứng viên trong cả quá trình từ lúc đến cổng công ty, qua cửa bảo vệ, gửi xe, lên thang máy, gặp lễ tân, chờ phỏng vấn. Do vậy hãy chuẩn bị cho mình tâm lý tự tin, ăn mặc phù hợp, đi lại và chào hỏi đúng mực, gây thiện cảm tốt. Thời gian chờ phỏng vấn hãy quan sát thêm về môi trường công ty, vì nó sẽ giúp ứng viên tự tin và có sự kết nối trong lúc phỏng vấn.

9. Trả lời phỏng vấn

Đây là yếu tố quyết định, vì có thể ứng viên sẽ bị loại ngay từ lúc bước vào phòng hoặc ngay từ câu chào đầu tiên đã vô duyên, hoặc từ chính thái độ mới bước vào. Vui vẻ, thoải mái, chân thực vì phỏng vấn thường chỉ hỏi rất ít về chuyên môn mà chủ yếu đánh giá lại về con người có phù hợp với công ty hay không. Mọi câu hỏi trong phỏng vấn cũng là các phép thử, nên bạn cứ bình tĩnh suy nghĩ 5-10 giây trước khi trả lời để hiểu ngữ cảnh và tình huống của câu hỏi.

10. Kết thúc phỏng vấn

Thường nhà tuyển dụng sẽ dành cho ứng viên 5 phút để đưa ra các câu hỏi và đề xuất như lương, thời gian làm việc, hoặc các thắc mắc. Ứng viên thông minh thì sẽ đoán được là mình có phù hợp với nhà tuyển dụng hay không trong quá trình phỏng vấn. Lưu ý nhà tuyển dụng thường không quyết định trả lời ngay nếu vị trị có nhiều lựa chọn ứng viên. Nếu được hỏi thì bạn có thể hỏi cơ hội của bạn như thế nào, cần làm gì thêm được có cơ hội, và thể hiện mong muốn khát khao thực sự được làm việc của mình. Và sau đó nên chủ động liên lạc và vẫn thể hiện muốn được làm việc, nếu bạn thích môi trường khi đến pv, biết công việc và có các cơ hội cho mình.

Như vậy là kinh nghiệm không thực sự quan trọng trong viết CV và phỏng vấn tuyển dụng, và sinh viên không hề bị yếu thế hơn, ngược lại sức trẻ và khát khao làm việc của tuổi trẻ có thể giúp các bạn dễ được tuyển dụng hơn.

Chúc các bạn Sinh viên năm nay ra trường có công việc thật tốt!

CEO FastGo
 
Top