Review kinh nghiệm du lịch tại Iceland tiết kiệm từ A tới Z

ThanhReview

Tài xế Đồng
Iceland, hay còn gọi là Băng Đảo, là một hòn đảo nằm giữa vùng biển Na Uy (Nowegian Sea) ở khu vực Bắc Âu. Iceland được hình thảnh từ một chuỗi những vụ núi lửa phun trào nhiều năm trước. Đây cũng là nơi có khe nứt phân cách hai mảng lục địa Á Âu và Bắc Mỹ. Chính bởi vị trí địa lý đặc biệt này mà nơi đây dù có khí hậu khắc nghiệt nhưng thiên nhiên lại vô cùng phong phú và hùng vĩ. Cái tên “mặt băng dạ lửa” cũng xuất phát từ đây mà ra, bởi cảnh sắc Iceland đa phần là băng tuyết quanh năm nhưng thực chất bên trong lòng đất lại chứa hơn 100 núi lửa gồm nhiều núi lửa đang hoạt động. Cũng nhờ vậy mà cảnh sắc Iceland khác hẳn những quốc gia châu Âu khác, đẹp đến ngỡ ngàng!


Nếu là một người yêu thiên nhiên, có một chút máu phiêu lưu hay đơn giản là muốn tìm kiếm một trải nghiệm du lịch khác hoàn toàn với các địa điểm châu Âu đặc trưng khác thì Iceland sẽ là một điểm đến bạn không thể bỏ qua. Đặc biệt nếu các bạn giống mình – là một người mê mẩn thiên văn học và các hiện tượng thiên nhiên kì vĩ thì Băng Đảo chắc chắn sẽ không khiến các bạn thất vọng.

vMPzuMK.jpg

Trong bài viết này mình sẽ không chỉ review về chuyến đi của vợ chồng mình hồi cuối tháng 1 vừa rồi mà còn note lại một số tips khi du lịch Iceland mà mình tự thu thập và trải nghiệm, hi vọng có thể giúp những người mê dịch chuyển như mình có được một chuyến đi SUÔN SẺ, AN TOÀN, và KINH TẾ (vì sao mình phải nhấn mạnh những từ này thì các bạn cứ đọc tiếp ở dưới sẽ hiểu nha
1f609.png
;)). Cũng bởi có rất nhiều thứ hay ho để khám phá về Băng Đảo mà thông tin lại không sẵn nên bài viết sẽ hơi dài. Mình cũng note rõ các mục sẽ có trong bài ngay dưới đây để các bạn tiện theo dõi nhé!

Tóm tắt nội dung

Phần 1:
  • Thông tin chung về Iceland (chỗ ở, phương tiện đi lại, đổi tiền, etc.)
  • Lịch trình + chi phí
Phần 2:
  • Cực Quang (Northern Lights) + Blue Lagoon
  • Jokulsarlon tour (sông băng, biển kim cương), Golden Circle tour, Reykjavik

Chi tiết từng phần

Phần I

1. Thông tin chung về Iceland

Khí hậu
Iceland có 2 mùa chính: lạnh và rất lạnh ))). Mùa hè thì nhiệt độ sẽ dao động trong khoảng 7-16 độ C. Những ngày nóng nhất trong tháng nóng nhất ở Băng Đảo cũng chỉ đến 25 độ là kịch kim. Còn mùa đông thì nhiệt độ có thể đến -10, nên các bạn cứ xác định đi mùa nào cũng đừng quên áo ấm nhé.
Mỗi mùa Iceland đều có cái đẹp riêng. Nếu bạn thích chiêm ngưỡng được trọn vẹn cảnh sắc Iceland, được trầm trồ từ bất ngờ này tới bất ngờ khác mỗi khi khung cảnh thay đổi thì nên tới đây vào mùa hè hoặc thu. Tuy nhiên nếu mục đích chính giống mình là săn Cực Quang và ngắm sông băng thì mùa đông sẽ là thời điểm lý tưởng.

Phương tiện đi lại

- Đến Iceland:
Phương tiện chính và trong nhiều trường hợp là duy nhất để đến Iceland là máy bay. Đây cũng là phương tiện kinh tế nhất vì Iceland là hòn đảo giữa biển nên không hề có tàu hay bus để đến Iceland dù là từ các nước trong châu Âu. Nếu bay từ Việt Nam các bạn có thể tham khảo trên trang Skyscanner, cứ chuyến nào thời gian hợp lý mà giá vé phù hợp nhất là triển thôi ?. Lưu ý từ sân bay về trung tâm thành phố có public bus nhưng giờ rất chán mà cũng ko hề rẻ nên các bạn nên book airport transfer bus của các hãng private trước nhé. Hoặc ko thì có thể mua tại sân bay cũng đc. Giá dao động từ 20-25e/người/chiều nhé.
Còn các bạn đến từ các nước châu Âu hoặc Anh thì có thể tham khảo Wow Air hoặc Iceland Air. Wow Air là hãng giá rẻ của Iceland nên thường sẽ có giá vé ưu đãi hơn, tuy nhiên hãng này hành lý xách tay trong giá vé lại chỉ bao gồm một balo/túi xách tay (42x32x25cm) chứ không có vali nhỏ như thường thấy của các hãng khác nên các bạn cần mang nhiều đồ nên mua thêm hành lý xách tay (~30eu/chiều). Mình thì không mua thêm hành lý vì mình đi mùa đông, phần lớn quần áo mặc hết trên người rồi nên 1 balo với mình là đủ.

bRYTlaX.jpg

- Trong Iceland: Hệ thống phương tiện công cộng ở Iceland là vô cùng nghèo nàn trong khi các địa điểm thăm quan chủ yếu lại nằm xa thành phố nên các bạn cứ xác định chỉ có 2 phương tiện chủ yếu là xe tự lái hoặc đi tour.
Xe tự lái sẽ phù hợp hơn với những ai đi theo nhóm 3-5 người vì sẽ chủ động và tiết kiệm chi phí hơn, có thể rẽ ngang rẽ ngửa. Tuy nhiên, nếu ai không quen lái đường tuyết thì tuyệt đối không nên lái vào mùa đông. Kể cả người quen lái cũng nên cân nhắc vì băng tuyết ở Iceland thường rất dày và trơn trượt. Đến cả lái xe nhiều năm kinh nghiệm ở Iceland cũng gặp sự cố như thường (chính lái xe của tour săn cực quang mà bọn mình book cũng đã bị lún tuyết khi đang trên đg đi, phải gọi xe trợ giúp đến thay thế). Vậy nên AN TOÀN là trên hết nhé các bạn ?
Nếu các bạn không biết lái xe hay không muốn thuê xe thì còn một option các rất ổn là đi theo tour. Vợ chồng mình cũng đã chọn cách nào và thấy rất ok. Hơn 60% dân số Iceland là làm du lịch nên có rất nhiều các công ty tour và các chương trình tour đa dạng, mà chất lượng của các tour thì cũng rất tốt và đồng đều nên các bạn có thể yên tâm nhé. Các bạn có thể tra tour trên các trang review du lịch nước ngoài. Cá nhân mình thì hay đặt qua Getyourguide.com vì các tour đặt qua đây thường có giá tốt nhất, được huỷ free trong vòng 24h mà đảm bảo uy tín.

Chỗ ở

Cũng như các địa điểm du lịch khác Băng Đảo cũng có đầy đủ các option cho chỗ ở từ khách sạn, nhà nghỉ, dorm cho đến homestay. Nhưng những năm gần đây du lịch Iceland tăng quá nhanh trong khi số lượng nhà nghỉ khách sạn không đủ để đáp ứng nên tình trạng hết chỗ là rất thường xuyên đặc biệt là trong các mùa cao điểm. Mình thì thấy có 2 option chỗ ở ổn nhất mà mình đều đã trải nghiệm qua:
- 1 là guesthouse (nhà nghỉ) ở khu trung tâm. Ưu điểm của loại này là rất gần trung tâm, đi bộ được ra các điểm bus tour đón nên đi lại rất tiện. Có nhiều loại phòng và giá cả cũng rất ổn. Một số phòng còn trang bị cả bếp nhỏ để có thể tự nấu nướng. Nhược điểm là thường hay bị fully book hoặc giá bị đẩy lên nếu như đi vào mùa cao điểm. Đợt rồi mình có ở guesthouse Andrea – highly recommend mọi người.
- Option thứ 2 là ở homestay người Việt (các bạn có thể lên các group du lịch châu Âu trên fb để tìm hiểu thêm). Mình có ở qua nhà của anh chị host Kevin Phan thì thấy rất ổn, xa trung tâm hơn guesthouse trên nhưng cũng chỉ cách có 3km mà có bus thẳng, nhà cửa thì sạch đẹp rộng rãi mà giá cả cũng hạt dẻ hơn guesthouse mình book. Anh chị host cũng vô cùng nhiệt tình và đáng yêu nên ở rất thoải mái.

Đổi tiền

Iceland tiêu tiền krone chứ ko dùng đồng Euro như nhiều nước châu Âu khác tuy nhiên gần như mọi nơi đều chấp nhận thẻ nên nếu ko có ý định đi xe bus công cộng thì bạn cũng ko cần lo đổi tiền đâu mà cứ quẹt thẻ là ok rồi. Cho những bạn nào có nhu cầu đổi thì mình khuyên là nên đổi ngay ở cây ATM ở sân bay. 2 cây ATM này đặt ngay cạnh cửa ra khỏi sân bay gần mấy quầy Direct Bus màu da cam nên rất dễ thấy. Bạn cứ cho thẻ vào máy rồi nhập số tiền muốn rút là tự động sẽ rút ra được tiền krone Iceland. Tỉ giá quy đổi và phí cũng rất ok, không chênh lệch mấy so với giá mình tra trên mạng. Hôm mình đổi 5000isk=40eur bao gồm cả phí trong khi tra trên mạng cũng phải tầm 37eur rồi.

2. Lịch trình và chi phí

Dưới đây là lịch trình và chi phí của mình đi đợt cuối tháng 1/2019. Chi phí này chỉ mang tính chất tham khảo vì tuỳ mỗi mùa giá tour và chỗ ở sẽ khác nhau. Vì mình quyết đi vào phút chót nên vé máy bay hay chỗ ở đi lại và tour đều chỉ đặt trước 1-2 ngày lên đường, nhưng may mắn là thời gian mình đi không phải cao điểm nên giá khá tốt dù đặt gấp. Mình recommend các bạn nên tra đúng thời điểm bạn định đi để ước lượng đc budget chính xác nhất nhé vì đôi khi chỉ cách nhau vài ngày thôi giá vé máy bay cũng đã khác rất nhiều rồi.

Lịch trình:

Ngày 1


Sáng: Amsterdam – Reykjavik
Chiều: Reykjavik (nhà thờ, bến cảng, etc.)
Tối: Tour săn Cực Quang

Ngày 2

Sáng + Chiều: Golden Circle Grand Tour
Tối: Tour săn Cực Quang

Ngày 3

Full day: Jokulsarlon Tour

Ngày 4

Sáng: Blue Lagoon
Chiều + Tối: Nghỉ ngơi thăm quan Reykjavik
Sáng sớm ngày 5: Reykjavik – Amsterdam

Lịch trình trên mình đi sau khi tham khảo rất nhiều nguồn và review trên mạng. Các bạn đi mùa đông và có cùng thời gian như mình có thể tham khảo. Tuy nhiên mùa hè thì có thể đi kĩ mạn phía Nam, tham khảo thêm các địa điểm ở phía Bắc và Đông nhé!
- Vì các tour thường full day và đi qua rất nhiều điểm nên mình sẽ review kĩ về từng tour kèm theo link và thông tin ở phần dưới nhé

Chi phí (cho 1 người)
  • Vé máy bay: 150eu/return (Wow Air: Amsterdam-Reykjavik)
  • Sân bay – trung tâm thành phố: 35eu/2 chiều
  • Chỗ ở: 117.5eu/4 ngày (bao gồm ăn sáng)
  • Ăn uống: ~50eu (ăn ngoài 1 bữa, còn lại là tự nấu)
  • Chi phí các tour: 310eu/4 tours
Tổng cộng: ~670eu/người khoảng hơn 17 triệu VNĐ.

Đây không hề là một mức chi phí rẻ cho một chuyến du lịch 4 ngày nhưng thực sự đã là khá hời cho chuyến đi Iceland vì quốc gia này lâu nay vẫn luôn nổi tiếng về độ đắt đỏ bậc nhất châu Âu của mình. Trong phần note cuối bài mình sẽ chia sẻ một số tips để tiết kiệm hơn nữa cho chuyến phiêu lưu đến Băng Đảo của bạn nhé!

Phần II


Phần này khá dài vì mình review chi tiết về từng điểm thăm quan ở Iceland nên các bạn hãy hết sức bình tĩnh nhé .Ở cuối bài mình có để link video về Iceland bọn mình tự quay trong chuyến đi vừa rồi, để dành cho những bạn nào lười đọc mà vẫn muốn biết Iceland dư lào nghen.

3. Cực Quang – Blue Lagoon

32tfqPc.jpg


Cực Quang:
Và cuối cùng thì phần mình nhận được nhiều câu hỏi nhất, cũng là phần mọi người quan tâm nhiều nhất cũng đã hoàn thành.

Khi nhắc đến Iceland thì ngoài cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ vừa nên thơ vừa hoang dã còn một điểm vô cùng hấp dẫn khiến đất nước này liên tục lọt vào top các must-visit destination đó là Cực Quang, còn được gọi là Northern Light hay Aurora. Băng Đảo được mệnh danh là một trong những địa điểm xem Cực Quang đẹp nhất trên thế giới. Thời điểm lý tưởng để xem Cực Quang ở Iceland thường dao động khoảng từ tháng 9 đến tháng 3, trong đó tháng 11-1 là thời gian có nhiều khả năng xem được Cực Quang nhất do đêm dài ngày ngắn.

Cực Quang là một hiện tượng thiên văn học xảy ra do sự tương tác của các hạt điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên hành tinh, tạo ra các dải ánh sáng màu liên tục chuyển động trên bầu trời. Những dải lụa ánh sáng này thường chỉ quan sát được tại những vùng cực Bắc (Bắc Cực Quang) và cực Nam (Nam Cực Quang) của Trái Đất. Nó có rất nhiều màu nhưng xanh lá là màu thường thấy nhất và chỉ thấy rõ nhất về đêm và khi trời quang mây. Bởi vậy mà khi săn Cực Quang ở Iceland bạn cần chú ý những điều sau:

Khi nhắc đến Cực Quang thì những người đã từng săn cô nàng này đều nghĩ ngay đến từ “may rủi”. Dù bạn có plan kĩ đến đâu mà tự dưng nàng không có hứng gặp bạn thì vẫn cứ là chúc may mắn lần sau, còn một khi duyên đã đủ để hội ngộ thì lên plan sát đến mông như mình sẽ vẫn ok. Nói vậy chứ bao giờ có nghiên cứu tìm hiểu cũng hơn.

Có 5 bước cơ bản bạn cần làm trước, trong và sau để cuộc hội ngộ với cô nàng Cực Quang được trọn vẹn nhất:

Check thời tiết + hoạt động Aurora

Check thời tiết Iceland những ngày dự định đi trên trang weather.com hoặc accuweather.com và chọn những ngày nắng, không tuyết, quang mây vào buổi tối.
Check hoạt động của Cực Quang và độ quang mây tại (1) http://auroraforecast.is/ hoặc (2) https://en.vedur.is/weather/forecasts/aurora/Các bạn có thể tìm hiểu thêm về cách đọc thông tin dự báo Aurora trên mạng, nhưng cơ bản chỉ cần nhớ 2 chi tiết là độ KPI (phía dưới đối với (1) hoặc trên cùng bên phải với (2)) và màu tại khu vực bạn định đi săn Aurora trên bản đồ. KPI càng cao tức là hoạt động của Aurora hôm đấy càng mạnh -> Cực Quang càng rõ -> càng có khả năng cao nhìn thấy -> tốt. Màu trắng tức là trời trong và quang mây -> càng dễ nhìn thấy Aurora -> tốt.

Book tour săn Cực Quang ngay ngày đầu tiên đến Iceland. Như mình nói ở trên, Cực Quang rất khó đoán nên việc phải đi săn vài lần mới có thể bắt gặp là chuyện không hiếm. Tất cả các tour săn Cực Quang ở Iceland đều cho free rebook nếu đêm đó bạn ko thấy được Cực Quang. Do vậy book tour ngay đêm đầu tiên nếu có không được thì bạn vẫn đủ thời gian để book lại trong các đêm sau đó. Đây cũng là lí do vì sao mình nhấn mạnh yếu tố SUÔN SẺ ở phần 1.
Mình plan tour Cực Quang vào đêm đầu tiên mà vì thời tiết xấu quá nên bị huỷ, đến hôm sau tuy được book lại free nhưng cũng làm đảo lộn hết cả lịch trình của mình. Đáng ra đêm thứ 2 được nghỉ vì 2 ngày liền đi tour full-day. Thế mà chỉ vì thay đổi lịch tour Aurora mà ngày t2 của mình đi tour đến 6h tối về xong đêm lại đi săn Aurora từ 9h tối đến 3h sáng xong về ngủ 2 tiếng lại dậy tiếp tục lên đường đi sông băng từ 6r sáng.
Các tour săn Cực Quang giá cũng dao động khá nhiều tuỳ vào loại xe bạn chọn. Xe bus to 50 chỗ là loại rẻ nhất, các xe nhỏ hơn sẽ đắt dần đều. Ngoài ra cũng có option săn Cực Quang trên tàu biển. Tuy nhiên option này hơi nguy hiểm nếu bạn không quen đi biển vì có thể bị say sóng mà trên tàu cũng lạnh hơn nhiều và chi phí cũng cao hơn.
Cá nhân mình thì thấy tour xe 50 chỗ là ổn, giá cả hợp lý hơn mà phần lớn review đều nói xe này cũng đi đến những điểm giống như xe nhỏ.
Mình book tour săn Aurora của Travel Bus Iceland, giá 43e/người, bao gồm đưa đón khách sạn trong trung tâm, đi socola nóng và bánh. Bạn có thể check trên website của hãng hoặc tham khảo thêm các tour tương tự trên Getyourguide.com


Thời trang Ninja


Mình vốn là một đứa thích lạnh và cũng thuộc diện “thời trang phang thời tiết”. Nhưng phải công nhận Iceland cũng thuộc dạng “thời tiết giết chết thời trang”. Tuy thời tiết ban đêm của Iceland chỉ xuống trong khoảng -10 độ nhưng cái lạnh của nó thì chả thua kém gì âm 2 mấy độ ở Phần Lan hay Bắc Mỹ đâu bởi chỗ săn Aurora đa phần là đồng không mông quạnh, không nhà cửa cây cối gì hết. Chưa kể nếu bạn muốn lưu giữ kỉ niệm với nàng Cực Quang thì cứ xác định là liên tục phải đứng im bất động (trước máy ảnh). Vậy nên, việc áp dụng phong cách thời trang Ninja VN là vô cùng cần thiết đó nhé. Ngoài mắt ra thì đừng dại mà hở thêm chỗ nào nghen ).

Máy ảnh + tripod


Đi rồi mình mới thấy cái này là cực kì quan trọng, không chỉ phục vụ cho mục đích sống ảo mà còn để chiêm ngưỡng Aurora được đầy đủ hơn.
Vì sao? Nếu bạn may mắn đi săn Cực Quang vào đúng ngày nàng vui vẻ dễ tính hoạt động mạnh (KPI cao) thì có thể ngắm rõ Aurora kể cả với mắt thường. Những lúc này thì dù có nhu cầu sống ảo thì thậm chí chỉ cần một chiếc điện thoại là quá đủ.
Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như vậy nên việc nhìn thấy Cực Quang mờ mờ (thường là 1 hoặc 1 vài dải ánh sáng xanh nhạt) là thường xuyên xảy ra. Lúc này combo máy ảnh + tripod sẽ phát huy tác dụng tiềm ẩn của mình, vì 1 lí do rất đơn giản: Cực Quang là một hiện tượng quang học, mà đa phần các hiện tượng quang học không thể quan sát đầy đủ nhất bằng mắt thường mà cần thiết bị chuyên dụng. Máy ảnh có thể điều chỉnh tốc độ màn trập để có thể lấy được ánh sáng nhiều nhất và nhờ vậy, có thể bắt được hình ảnh Aurora rõ ràng và chính xác nhất.
Đọc đến đây những bạn không có máy ảnh xịn cũng đừng quá lo lắng, vì thực sự bạn không cần đến một chiếc máy cơ súng ống xịn xạo mới đủ để chụp Northern Light đâu. Cá nhân mình cũng chỉ dùng loại máy du lịch Fujifilm X-A10 (giá hiện tại ở VN dao động khoảng 7 triệu) và cũng chỉ dùng ống kính có sẵn bán kèm máy. Toàn bộ ảnh mình đính kèm trong post đều là ảnh chúng mình tự chụp bằng máy này đó. Các bạn có thể tham khảo cách chỉnh thông số cho máy ảnh và điện thoại nói chung để chụp Aurora ở link này: https://bit.ly/2MPs4En Mình cũng note dưới đây thông số mình đã chỉnh với máy của mình để ai dùng cùng dòng máy có thể tham khảo nếu cần nhé!
(chế độ chụp ảnh A (Aperture Priority AE), ISO 2500-4000, white balance set sang phần màu xanh lá nhiều hơn chút, và quan trọng nhất là cố định máy bằng tripod nhé, vì trong điều kiện ánh sáng thấp tốc độ màn trập chậm mà máy ko 100% cố định thì ảnh sẽ rất rất rung đó).

- Và cuối cùng, hãy nhớ là “Quãng đường quan trọng hơn đích đến”. Vậy nên cũng đừng quá buồn nếu chưa có duyên gặp được Cực Quang hay gặp rồi mà không được rực rỡ như tưởng tượng thì cũng đừng thất vọng nhé. Quan trọng là bạn đã có một trải nghiệm rất thú vị với sự mong chờ hồi hộp rồi cả những lần nhịp tim dao động như biểu đồ hình sin mỗi khi check thời tiết. Thậm chí cả việc nghiên cứu tìm hiểu về Cực Quang là gì để chém gió với chúng bạn cũng giúp bạn có thêm nhiều kiến thức mới rồi. Vậy nên enjoy and take it easy nha ?

Ngoài ra nếu không đủ thời gian hay điều kiện để đi săn Cực Quang theo các tour thì mình có một tip nhỏ cho các bạn về 1 địa điểm ngay gần thành phố (~5km) có thể xem Cực Quang đó là ở gần ngọn hải đăng Grótta. Chỗ này mình được anh chị host chỉ cho và đưa tới. Tuy không xem được quá rõ vì vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều bởi ánh đèn thành phố nhưng vào những hôm Aurora mạnh thì vẫn có thể xem tốt nha.

Blue Lagoon

yhvcveB.jpg

Đây cũng là một địa điểm thú vị không thể bỏ lỡ khi đến với Băng Đảo. Blue Lagoon là một hồ nước mặn nổi tiếng của Iceland, được hình thành từ một sự cố từ năm 1970 khi một nhà máy địa nhiệt gần đó vô tình làm chảy dung nham xuống một dòng sông khiến cho nước sông chuyển sang màu xanh sữa. Khi ánh mặt trời chiếu xuống, màu xanh sữa này sẽ chuyển thành xanh lam như vẫn thường thấy trên ảnh. Sự cố này đã khiến nơi đây trở thành một spa thiên nhiên khổng lồ với dòng nước khoáng nóng quanh năm, chứa nhiều khóng chất như Silica và Sulfur tốt cho cơ thể và các bệnh về da.

Đi Blue Lagoon vào mùa nào cũng đều rất đẹp nhưng với mình thích nhất vẫn là vào mùa đông. Cảm giác khi ngâm mình trong dòng nước nóng nghi ngút khói giữa cái lạnh âm độ C và trải mắt ngắm nhìn những dãy núi phủ đầy tuyết xa xa thật phê vô cùng. Chính sự chênh lệch nhiệt độ lớn như vậy lại mang đến trải nghiệm vô cùng khác lạ. Chưa kể còn được đắp mặt nạ và nhâm nhi rượu vang khi đắm mình trong dòng nước ấm nóng.

Cũng bởi hấp dẫn như vậy mà chi phí đi Blue Lagoon không hề “sinh viên” tí nào. Giá vé vào cửa loại thấp nhất là 50e/người nhưng thực ra toàn phải thành hơn 70eu nếu bạn muốn đi vào giờ đẹp khoảng tầm trưa đầu giờ chiều, giá 50e ngta chỉ valid vào tầm muộn 9,10h tối khi chẳng còn nhìn được gì mấy nữa. Chưa kể xe bus 2 chiều đến Blue Lagoon (không bao gồm đưa đón tận ksan) cũng đến 40e rồi. Đợt mình đi thì book tour của anh chị host Kevin luôn. Giá là 95e/người bao gồm đưa đón tận nơi và vé vào cửa Blue Lagoon giờ nào cũng được không phải xếp hàng. Giá này cũng bao gồm 1 đồ uống free và 1 mặt nạ đầu tiên free.

Có một số tips quan trọng để trải nghiệm Blue Lagoon được ấn tượng nhất như sau:
- Nên đi vào khi trời vừa hửng sáng. Với mùa hè là khoảng 8h còn mùa đông thì tầm 10h-10r. Như vậy bạn sẽ ngắm được bình minh mà lại chưa bị đông du khách nên có thể thoải mái ngụp lặn chụp choẹt.
- Nhớ mang bao chống nước cho điện thoại. Ở đây được mang đt vào thoải mái để chụp choẹt và cũng có bán bao chống nước nhưng đắt lòi. Mình mang sẵn từ nha đi vừa rẻ vừa tiện lợi.
- Chăm sóc tóc trước và sau khi tắm. Lúc đầu mình cũng hơi lơ là khâu này vì cũng đã từng đi tắm các suối nước nóng khác ở châu Âu mà thấy không vấn đề gì. Nhưng công nhận là nước ở Blue Lagoon hoàn toàn khác. Tuy rất tốt cho sức khoẻ và tóc nói chung, nhưng nước ở Blue Lagoon lại làm cho tóc bạn khô cứng và bết không khác gì đuôi ngựa (literally luôn nhé) khi tắm xong do các khoáng chất trong nước. Tóc mình như bị dính kẹo gội cỡ nào cũng ko hết. Nên mình có đúc kết lại một số tips đây cho các bạn:
+ xả tóc và bôi thật nhiều xả trước khi xuống nước, sau đó búi cao để tắm. Cách này giúp bảo vệ tóc tốt nhưng bù lại lại làm giảm khả năng sống ảo ). Nên mình đã dùng cách 2.
+ sau khi tắm xong gội đầu bằng clarifying/purifying shampoo (loại dầu gội làm sạch sâu), rồi ủ với xả thật lâu (30’-1 tiếng) rồi xả sạch. Ngay lần đầu tiên mình làm cách này đã thấy tóc khác hẳn dù trước đó thử mọi lọai cách, thậm chí ủ cả dầu dừa. Sau 2-3 lần làm thì tóc đã hoàn toàn trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, cách này sẽ hơi mất thời gian nên các bạn có thể để dành về nhà làm cũng đc và tạm sống chung với mái tóc tre Việt trong mấy ngày ở Iceland.
- Mang theo chút đồ ăn. Vì tắm xong sẽ rất đói mà đồ ăn ở trong Blue Lagoon thì rất đắt. Đã vậy xung quanh đồng không mông quạnh nên cũng ko có hàng quán để ăn ngay đâu. Mình thấy rất nhiều người (kể cả Tây) cũng pack theo đồ ăn. Người thì bảo được mang đồ ăn từ ngoài vào người thì bảo không. Hôm mình ăn thì cũng ko vấn đề gì cả nhưng để chắc chắn thì trước khi ăn các bạn cứ ngó nghiêng xung quanh nhé ?
- Check thông tin trên website Blue Lagoon https://www.bluelagoon.com/thật kĩ trước khi đi để tránh mang thiếu/thừa đồ nhé. Thừa còn đỡ chứ thiếu thì chỉ còn cách mua tại đấy, đồng nghĩa với việc sẽ phải tốn một đống tiền không đáng đó.

4. Sông Băng, Golden Circle, Reykjavik

Sông Băng + biển Kim Cương (Jökulsárlón tour)

IIEeMa5.jpg

Jökulsárlón là khu đầm phá sông băng nằm ở phía Đông Nam Iceland, được hình thành tự nhiên do sự tan chảy của các tảng băng trôi từ sông băng Breidamerkurjokull. Cách sông băng chỉ vài bước chân là biển Kim Cương (Diamon Beach). Cái tên này ra đời cũng bởi đặc điểm của bờ biển trải dài nhiều viên đá băng trên nền cát đen tuyền, khi phản chiếu dưới ánh nắng càng trở nên lung linh lấp lánh như những viên kim cương.
Vì bài viết đã dài nên mình xin phép sẽ dừng phần miêu tả ở đây để các bạn tự cảm nhận qua ảnh và đi thẳng vào chi tiết tour cho các bạn tham khảo nghen.
Link tour: https://bit.ly/2t8MGhQ - Giá: 120eu/người
Thời gian: 14 tiếng
Các địa danh nổi bật: thác nước Seljalandsfoss, đầm băng Jökulsárlón, biển Kim Cương
Review: tour khá mệt vì quãng đường xa và thời gian phần lớn là ngồi trên ô tô. Nhưng các điểm dừng chân trên đường đều rất rất đẹp, chưa kể các điểm xe đi qua cũng rất rất đẹp nên mình vẫn thấy tour rất xứng đáng cả về giá và công sức.
Tuy nhiên có một lưu ý là các trạm dừng ăn trưa hay ăn tối thường khá nhanh nên các bạn cần tranh thủ không lại không kịp. Nếu muốn tiết kiệm thì có thể chuẩn bị đồ ăn từ nhà vì đồ ăn ở các stop cũng không rẻ tí nào đâu nha.

Golden Circle Grand Tour:

So với tour Jökulsárlón thì Golden Circle tour nghe có vẻ dễ thở hơn. Nhưng nhỏ mà có võ nha. Tuy thời gian ngắn nhưng Golden Circle tour lại đi qua rất nhiều điểm thú vị của Iceland như thác nước Gullfoss, công viên quốc gia Þingvellir nơi mảng kiến tạo Bắc Mỹ và Á Âu đang tách ra với tốc độ vài centimet mỗi năm, hay như miệng giếng địa nhiệt ở Geysir với những đợt phun trào nước nóng ấn tượng.

Link tour: https://bit.ly/2k7dtXt - Giá: 52eu/người
Thời gian: 8 tiếng
Các địa danh nổi bật: thác nước Gullfoss, miệng núi lửa ở Kerið, khu giếng phun địa nhiệt Geysir, sông Hvítá, công viên quốc gia Þingvellir
Review: Thời gian vừa phải, các điểm thăm quan hay, giá cả ổn. Tuy nhiên thời gian thăm mỗi điểm hơi gấp gáp (với mình thì ko vấn đề gì vì trời cũng quá lạnh chỉ muốn nhanh lên xe cho ấm), đồ ăn ở trạm dừng khá đắt đỏ mà lại không cho mang đồ ăn ngoài vào nên chỉ có cách ăn nhẹ trên xe hoặc chọn ăn món rẻ nhất ở đấy là đồ fastfood (gà rán, khoai chiên) nhưng vẫn ko rẻ đâu nha. Theo mình các bạn cứ chuẩn bị đồ ăn đơn giản kiểu cơm nắm muối vừng hay sandwich từ nhà để ăn nhanh được trên xe, đảm bảo tiêu chí ngon bổ rẻ.

Reykjavik

euOy8Fy.jpg

Reykjavik là thủ đô của Iceland, cũng là nơi tập trung phần lớn dân số Iceland. Bản thân trong Reykjavik cũng có khá nhiều điểm thăm quan đẹp và thú vị như nhà thờ Hallgrimskirkja với kiến trúc vô cùng ấn tượng (với cá nhân mình nó còn đẹp và lạ hơn cả nhà thờ Sagrada Familia ở Barcelona), hay chỉ đơn giản là đi bộ dọc khu bến cảng cũ trong thành phố cũng đủ để trầm trồ rồi.
Tiếc là mình không có nhiều thời gian nên chưa khám phá được mấy trong Reykjavik. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm về thành phố có thể tham khảo tại đây nha. https://visitreykjavik.is/

Nói chung Iceland là một điểm rất đáng để đi, khám phá và trải nghiệm, đặc biệt khi bạn còn trẻ còn nhiều nhiệt huyết xê dịch. Đây không những là một trong những điểm đến yêu thích của mình mà còn là 1 trong những nơi ở châu Âu đẹp nhất mà mình từng đi. Các bạn cũng đừng lo đắt đỏ hay sợ Băng Đảo còn hoang sơ mà ngại nhé. Chỉ cần khéo léo lên kế hoạch một chút là các bạn đã có thể có một chuyến đi tiết kiệm mà đầy trải nghiệm rồi. Chưa kể đi nhanh đi không global warming băng lại tan hết thì xong
1f642.png
:)). Anw, chúc các bạn một chuyến đi vui vẻ và hi vọng rằng bài viết của mình sẽ giúp ích được cho các bạn nhé.

Nguồn FB trymy1712
 
Top