KINH NGHIỆM THI IELTS LISTENING 9.0 (Part 1) - DẠNG BÀI MAP

tuyendung

Tài xế mới
Chào mọi người, mình là Duong Anh, hiện đang dạy IELTS tại Sài Gòn, đây là bài post thứ 2 của mình trong group, để xem bài đầu tiên, mọi người có thể xem link mình để ở cuối post này.

4183

Mình thi IELTS vào ngày 29.09.2018 tại British Council Hồ Chí với điểm riêng phần Listening 9.0. Tính chất công việc của mình là dạy IELTS nên trong một năm mình thường cố gắng sắp xếp thi IELTS 3-4 lần, cách nhau 2 3 tháng để cập nhật những thay đổi của kì thi. Từ kinh nghiệm thi khá nhiều lần mình đúc kết được một số tips riêng cho bản thân để tối ưu điểm thi phần listening. Bài chia sẻ tổng quan về cách học listening mình thấy nhiều anh chị trong group đã nói rất kĩ và rõ ràng, do đó mình sẽ chỉ tập trung nói vào khâu cuối cùng sau khi bạn đã nghe được tương đối ổn (từ 27-30 câu đúng trở lên) và muốn cải thiện điểm lên những band cao hơn 8.0-9.0 listening. Sau đây là một số chiến thuật làm bài của mình.

Trước hết, quan điểm thi listening của mình là: đã thi nghe thì tuyệt nhiên lúc nghe phải tập trung, vì nếu bạn quá phân tâm vào đọc câu hỏi, phân vân đáp án, hoặc cố gắng hiểu 1 2 đoạn bị lỡ lúc đang nghe thì chắc chắn kết quả làm bài sẽ dắt tay nhau đổ sông đổ bể.

Ngoài ra lúc làm bài thi đối với mỗi dạng câu hỏi bạn cần chắc chắn phải có chiến thuật thi rõ ràng, từ việc đọc hiểu câu hỏi, chọn key words gạch chân, cho đến dùng thời gian cuối mỗi section kiểm tra đáp án hay đọc câu hỏi của phần sau… Tất tần tật cần phải tính toán trong đầu.
Từ hai lưu ý ở trên mình sẽ chia bài này làm 2 phần:

Phần 1: LUYỆN CÁCH TẬP TRUNG

Mình bắt đầu học IELTS vào thời điểm cách đây 6 7 năm thì thời điểm đó đã nghe được tầm 25/40 câu, sau đó tăng lên 30 câu rất dễ dàng chỉ bằng việc nghe nhiều + đọc hiểu script, sau đó lên 35 câu (tương đương 8.0) cũng với cách học tương tự. Tuy nhiên từ lúc 35 câu thì đứng hoài không lên được, phải mất rất nhiều thời gian tìm hiểu thì mình mới có thể thi được 9.0 listening (là sai 1 câu hoặc là không sai câu nào). Do đó nếu bạn đang gặp phải tình huống tương tự thì có thể thử cách sau:
Vào youtube tìm các video bài nghe của sách Cambridge IELTS chỉnh tốc độ bài nghe nhanh lên (x1.25, x.1.5) sau đó luyện làm bài thi với tốc độ như vậy. Tầm 1 tháng bạn sẽ thấy kết quả làm bài thay đổi rõ rệt. Tất nhiên, lúc đầu sẽ cảm thấy bài nghe rất nhanh và choáng, nhưng chính việc audio phát nhanh như vậy sẽ khiến não bạn tập trung hơn. Hơn nữa nghe nhanh thành quen lúc thi thật bạn sẽ thấy bài thi nghe rất rõ ràng, hệt như xem phim slow motion vậy!

Bản thân mình trước đó luôn tự ỷ lại bản thân nghe tốt, từ vựng tốt nhưng trên thực tế vào những đoạn audio phát chậm cũng là lúc trong đầu mình bắt đầu nghĩ sang chuyện khác như kiểu chiều nay ăn gì, tối nay làm gì ấy, đại loại linh tinh trong khi đang thi nghe… Dù đã cố gắng điều chỉnh nhưng có vẻ như nó là bản năng rồi, đã có lúc mình nghĩ chắc sẽ mãi không thi được listening 9.0 đâu. Kiểu thôi cái này chắc không dành cho đứa não mất tập trung như mình. Cho đến một hôm mình thấy em trai mình xem phim Trung Quốc trên Youtube và chỉnh audio nghe ở tốc độ 1.5, lý do là nó muốn xem nhanh để tiết kiệm thời gian, với lại phim Trung Quốc hay dài lê thê 70 80 tập xem chậm bị CHÁN. Tự dưng lúc đó mình nảy ra ý định thử làm bài IELTS bằng cách nghe nhanh hơn, cuối cùng nó thực sự ‘works’ với mình đấy.

Ngoài ra mình muốn nói thêm là mình CHƯA TỪNG luyện nghe bằng cách “CHÉP CHÍNH TẢ” vì mình nói rồi mình khá dễ mất tập trung, nghe rồi chép lại mình đã thử nhưng không làm được quá 2 dòng thì bỏ cuộc. Thay vào đó, mình chủ yếu sửa cách phát âm và cố gắng nhại theo câu thoại cả phim lẫn audio trong sách Cambridge. Sau đó, mình sẽ nghe lại bài mà không nhìn tapescript cho đến khi nghe không sót chữ nào thì thôi, cả tới bây giờ xem phim mình cũng làm như vậy, cho nên phải nói là mình xem phim Tiếng Anh nghe khá rõ ràng chứ không phải đoán đoán gì cả. Nghe không ra thì bật phụ đề xem, rồi nghe lại thôi. Quan trọng là KIÊN NHẪN.

Phần 2: CHIẾN THUẬT LÀM BÀI THI DẠNG MAP

(Mọi người xem hình minh hoạ ở dưới, một bài thi mình lấy từ sách Cambridge 13)
Khi cầm đề thi trên tay điều đầu tiên là phải đọc yêu cầu đề, đừng chủ quan. Cho dù đã làm dạng đó cả trăm lần thì đọc đề vẫn phải đọc!
Sau khi đọc đề xong ngay lập tức bạn sẽ liếc sơ qua cái map để yên tâm, xem để biết nó dễ hay khó nhìn, có gì đặc biệt không. Cái này chắc tầm vài giây là được rồi.
Bây giờ là tới chiến thuật xử lý cụ thể:

Bước 1: Đọc câu hỏi, hiểu câu hỏi sau đó thì chọn từ khoá quan trọng. Lưu ý rằng mình thấy rất nhiều học sinh của mình mới cầm đề trên tay đã lo gạch chân từ khoá trong khi chưa hiểu nó nói cái gì cả. Việc này dẫn tới các bạn thường gạch chân rất nhiều từ rồi đến khi nghe nhìn câu hỏi và mấy cái đã gạch chân cũng chẳng nhớ nó nội dung gì, lãng phí thời gian.
Ví dụ trong câu 14: New traffic lights. Thật sự đọc xong thì mình thấy chỉ cần gạch chân từ “lights” là mình nhớ được đại ý câu này rồi. Thông thường làm listening mình có 1 nguyên tắc nhỏ là KHÔNG GẠCH CHÂN QUÁ 2 TỪ trong 1 câu hỏi, lâu lâu làm cũng gặp nhiều câu dài dài thì có thể gạch 3 từ chứ 90% mình làm bài lúc nào cũng gạch rất ít, chỉ 2 từ là tối đa.

Bước 2: Đánh số lại cho câu hỏi. Thật ra ý nghĩa của việc này là để con số của câu hỏi đơn giản lại, lúc nghe chỉ cần ghi số sát bên chữ A, B, C, D trên hình cho nhanh thay vì vừa nghe vừa chép A, B, C, D xuống phần chấm chấm ở dưới.

Bước 3: Ngay cả khi map đã cho sẵn hình compass Đông, Tây, Nam, Bắc thì mình cũng sẽ viết lại thành chữ rõ ràng như trên hình. Nói chung chả mất bao nhiêu thời gian, ghi lại nhìn cho dễ. Nhiều lúc nghe nhanh quá không nhớ ra kịp thì nhìn chữ ghi rõ ràng vẫn dễ hơn nhìn chữ viết tắt. Đơn giản mọi thứ thì làm bài sẽ dễ hơn.

Bước 4: Chụp lại hình ảnh bản đồ vào đầu. Nghe nguy hiểm vậy thôi thật ra mình có một mẹo ghi nhớ đơn giản là mình sẽ nhớ từ trên xuống, từ trái sang phải (hoặc bạn thử theo chiều ngược lại sao cũng được miễn sao nhớ được).

Ví dụ:
Từ trên xuống: School – Bank/Chemist – Library/Supermarket x2. Ngoài ra từ trên xuống là F-G-H-I
Từ trái sang phải: đường Station Road – High Street – School Road. Từ trái sang phải là: A-B-C-D.
Như vậy bằng nguyên tắc trên mình đã nhớ được hết các chi tiết trên bản đồ một cách khá dễ dàng.
Thực ra ý nghĩa của việc ghi nhớ này là khi bạn đang nghe audio, nghe thấy chi tiết gì bạn cũng có thể nhanh chóng tìm ra ngay, không mất thời gian tìm kiếm, như vậy sẽ tập trung nghe hơn, đỡ bỏ lỡ hơn ấy.
Bước 5: Nghe tập trung, hạn chế nhìn lên xuống giữa câu hỏi và map, chỉ nhìn khi chuyển sang câu hỏi khác và cần biết key words là gì. Khi bài nghe kết thúc mới chuyển đáp án xuống. Sau khi nghe xong, check đáp án, nhớ note lại những từ vựng liên quan đến mô tả vị trí ở script sau sách, học rút kinh nghiệm. Mình có note lại một số trên hình mình hoạ.

Trên đây là toàn bộ phần chia sẻ của mình về cách làm dạng bài Map trong listening của IELTS. Chúc mọi người ôn tập tốt!
Xem thêm bài viết khác của mình: THỦ THUẬT LÀM MATCHING HEADING TRONG KÌ THI IELTS READING
 
Top