Đã đến lúc chia nhỏ quyền lực Facebook ra

lengochang

Tài xế Bạc
Thành viên BQT
Chris Hughes, bạn cùng phòng của Mark ở Harvard nhờ vậy có cơ duyên trở thành người đồng sáng lập Facebook (là người phát ngôn đầu tiên của Facebook), vừa mới đăng đàn trên The New York Times để ném một vài lời "giận dữ" cho Mark cùng "thổi còi" cho chiến lược phát triển Facebook. Chris điểm qua một số giai đoạn phát triển quan trọng của mạng xã hội lớn nhất hành tinh đi kèm với đó là những lát cắt về lịch sử "chống độc quyền" cùng ảnh hưởng của nó đến giá trị dân chủ Hoa Kỳ (cân bằng & kiểm soát), thị trường tự do (Adam Smith) cùng sự sáng tạo của hệ sinh thái khởi nghiệp để đi đến đề xuất chia nhỏ Facebook thành ba công ty con. Chris hiện đang là đồng chủ tịch của dự án An Ninh Kinh Tế (Economic Security Project) và là cố vấn của Viện Roosevelt. Ông là người đóng vai trò khá quan trọng cho chiến thắng của thượng nghị sĩ Obama trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2008. Bằng kinh nghiệm quan sát hành vi con người trên các hệ thống trực tuyến, Chris đã giúp phát triển một tập hợp các công cụ mạng xã hội lần đầu được đưa vào hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử. Cụ thể là trang web My.BarackObama.com (hay MyBO), một nền tảng giúp những người ủng hộ Obama có thể tạo nhóm, lên kế hoạch sự kiện, gây quỹ, tải các bộ công cụ và kết nối với nhiều người khác (tương tự như trên Facebook). Chris lập gia đình cùng với Sean Elbridge, giám đốc điều hành mảng chính trị của tổ chức Freedom to Marry (đấu tranh cho quyền được kết hôn của cộng đồng LGBTQ), người có tham vọng chính trị, từng đứng ra tranh cử một vị trí trong Hạ Viện ở khu vực quận hành chính thứ 19 New York nhưng thất bại trước ứng cử viên cộng hòa Chris Gibson. Mình đã lược dịch bài viết rất dài và uyên thâm của Chris ở dưới đây, rất đáng để các bạn bỏ thời gian đọc qua:

Lần cuối tôi nhìn thấy Mark Zuckerberg là vào mùa hè năm 2017, một vài tháng trước khi sự cố Cambridge Analytica xảy ra. Chúng tôi gặp nhau ở văn phòng Facebook ở Menlo Park, California và sau đó lái xe đến nhà cậu ta ở một khu dân cư yên tĩnh rậm rạp cây cối. Chúng tôi trò chuyện khoảng một tiếng đồng hồ trong lúc cô con gái nhỏ của Mark bò quanh, chủ đề chủ yếu là về chính trị, một chút về Facebook, và một chút về gia đình của chúng tôi. Khi ráng chiều kéo đến, tôi xin phép ra về. Tôi tới ôm vợ Mark, Priscilla và nói lời tạm biệt.

Kể từ đó, danh tiếng của Mark và Facebook bắt đầu tuột dốc không phanh. Những lỗi lầm của công ty này trong việc thực hành các chính sách bảo mật thiếu cẩn trọng đã khiến cho dữ liệu của hàng chục triệu người dùng rơi vào tay các tổ chức "lái" quan điểm chính trị; sự phản hồi chậm chạp tới các cơ quan của Nga, tin tức giả cùng các nội dung bạo lực tràn lan; các chiêu trò nhằm thu hút sự chú ý và giữ chân chúng ta lâu hơn trên nền tảng này - đã trở thành những tiêu đề tấn công Facebook phổ biến. Đã 15 năm kể từ khi tôi đồng sáng lập Facebook với Mark ở Harvard, dù không còn làm ở công ty này trong một thập kỷ qua nhưng tôi vẫn cảm thấy rất bất bình và có một phần trách nhiệm trong đó.

Mark vẫn là "cậu sinh viên" như khi anh ôm "chia tay" cha mẹ tại phòng kí túc xá trong năm học đầu tiên của chúng tôi. Anh ta vẫn là kiểu người hay trì hoãn việc học tập đến cận kì thi, phải lòng người vợ tương lai của mình khi đang xếp hàng đi vệ sinh trong một bữa tiệc, cùng việc nằm trên tấm thảm dưới sàn nhà trong một căn hộ nhỏ mặc dù lúc này anh hoàn toàn có thể mua được nhiều thứ xa xỉ hơn. Nói cách khác, Mark vẫn là một người bình thường. Nhưng cái vẻ rất con người ấy lại làm cho quyền lực không được kiểm soát của Mark trở thành một vấn đề lớn.

Ảnh hưởng của Mark rất khủng khiếp, vượt xa bất kì ai "tai to mặt lớn" đang làm việc ở khu vực tư hay công. Anh ta điều khiển ba nền tảng giao tiếp cốt lõi - Facebook, Instagram và Whatsapp với hàng tỷ người dùng mỗi ngày. Ban điều hành của Facebook làm việc giống như một ủy ban cố vấn hơn là những người chỉ đứng giám sát, bởi vì Mark nắm gần 60% cổ phần biểu quyết. Mark một mình có thể thao túng các thuật toán của Facebook để quyết định mọi người có thể nhìn thấy gì ở News Feeds của mình, các thiết lập bảo mật được định hình thế nào và thậm chí cả việc những tin nhắn nào có thể được gửi đi. Anh ta cũng là người thiết lập các luật lệ nhằm phán quyết xem các diễn ngôn nào có tính chất gây hấn và mang màu sắc bạo lực từ những nội dung chỉ hơi kích động. Hơn nữa, Mark còn tiến hành xử lý các đối thủ cạnh tranh bằng cách mua lại, ngăn chặn hay sao chép công nghệ.

Mark với tôi vẫn là một người tốt bụng và tử tế. Sự tức giận của tôi hướng về cách Mark giữ sự tập trung của mình vào quá trình tăng trưởng, thứ khiến anh ta phải hy sinh tính bảo mật và sự nhã nhặn của những cái bấm chuột. Tôi thất vọng về việc chính bản thân mình và đội ngũ ban đầu của Facebook đã không thể suy nghĩ xa hơn về cách mà các thuật toán News Feed có thể thay đổi văn hóa, ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử đồng thời tăng cường sức mạnh cho các nhà lãnh đạo dân túy. Tôi cũng lo lắng rằng Mark đã quy tụ quanh mình một đội ngũ giúp cổ súy niềm tin trên thay vì thách thức anh ta.

Chính phủ cần phải kiểm soát Mark thật chặt. Trong một thời gian dài, những nhà làm luật đã quá bỡ ngỡ và kinh ngạc trước tốc độ phát triển bùng nổ của Facebook để kịp nhận ra trách nhiệm của họ trong việc bảo đảm sự an toàn "danh tính" của các công dân Hoa Kỳ và bảo vệ sự cạnh tranh của thị trường. Gần đây, Ủy ban Thương Mại Liên Bang (Federal Trade Commission) được kì vọng sẽ áp dụng hình phạt 5 tỷ $ lên công ty này sau một loạt các sai sót, nhưng như thế cũng là chưa đầy đủ, như cái cách Facebook chỉ định đội ngũ giám sát bảo mật. Sau buổi điều trần trước quốc hội của Mark vào năm ngoái, lẽ ra Mark cần phải có một động lực mạnh mẽ để xử lý các lỗi lầm của mình. Những người chất vấn Mark, các nhà làm luật bị biến thành những người già cỗi và lạc hậu về công nghệ, một ấn tượng mà anh ta cố tình để lại cho công chúng Hoa Kỳ bởi vì điều đó có nghĩa là sẽ có rất ít thay đổi xảy ra bên trong Facebook.

Chúng ta là một quốc gia với truyền thống chế ngự sự độc quyền, cho dù các ý định của các nhà lãnh đạo "chuyên quyền" trên có tốt đẹp như thế nào. Sức mạnh của Mark là không thể tiên đoán và rất phi " nước Mỹ".

Đã đến lúc chúng ta cần chia nhỏ Facebook

Chúng ta đã có những công cụ cần thiết để kiểm tra sự thống trị của Facebook, thứ mà dường như chúng ta bỏ quên.

Nước Mỹ được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng sức mạnh không nên được tập trung chỉ vào một vài người, bởi vì tất cả chúng ta trước sau gì cũng nằm xuống với đất mẹ. Đó là lý do tại sao những nhà sáng lập quốc gia tạo ra hệ thống cân bằng và kiểm soát (checks & balances). Họ không cần phải nhìn trước viễn cảnh thống trị của Facebook để hiểu được mối đe dọa đến từ các công ty hung hãn sẽ đè bẹp giá trị dân chủ. Jefferson và Madison là những độc giả nhiệt thành của Adam Smith, họ tin rằng sự độc quyền cản trở quá trình cạnh tranh, nhân tố giúp thúc đẩy sự sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.

Một thế kỉ sau đó, nhằm phản ứng lại sự thống trị của dầu hỏa, đường sắt và tín thác ngân hàng trong thời kì vàng son (Gilded Age), Đảng viên cộng hòa ở Ohio, John Sherman đã trình bày ở quốc hội:"Nếu chúng ta không thể chịu đựng được việc một vị vua có quyền lực chính trị thì chúng ta cũng không thể chịu dựng các vị vua nắm các ngành sản xuất, vận tải hay buôn bán các đồ dùng thiết yếu. Nếu chúng ta không chấp nhận các nhà vua thì chúng ta cũng không nên chấp nhận những kẻ chuyên quyền thương mại với quyền lực chống lại sự cạnh tranh và có khả năng chỉnh sửa giá cả hàng hóa." Đạo luật Chống Độc Quyền Sherman ra đời vào năm 1890 nhằm mục đích chống lại sự độc quyền. Nhiều đạo luật theo sau đó vào thế kỉ 20 đã tạo ra các cấu trúc luật lệ và quy định nhằm cổ súy cạnh tranh và kiểm soát các công ty lớn nhất. Bộ công lý (The Department of Justice) đã chia nhỏ sự độc quyền qua các trường hợp của Standard Oil và AT&T.

Đối với nhiều người ngày nay, thật khó để hình dung chính phủ có thể làm được điều gì tốt đẹp, ngoài việc nên chia nhỏ các công ty kiểu như Facebook. Điều này không phải là ngẫu nhiên.

Bắt đầu từ thập niên 70, một nhóm nhỏ các nhà kinh tế, luật sư và người hoạch định chính sách tâm huyết đã bắt đầu gieo những hạt mầm của thuyết hoài nghi (cynicism) lên chúng ta. Trong suốt 40 năm sau đó, họ đã đổ tiền để tạo dựng mạng lưới các viện chính sách (think tanks), báo chí, các câu lạc bộ xã hội, các trung tâm học thuật và các hãng truyền thông nhằm hướng mối quan tâm của thế hệ mới vào khu vực tư thay vì khu vực công. Mặc khải của họ rất đơn giản: Thị trường "tự do" thì năng động và năng suất, trong khi chính phủ thì quan liêu và kém hiệu quả. Vào giữa thập niên 80, họ đã cố gắng loại bỏ việc thực thi sự chống độc quyền trong sách sử.

Sự chuyển dịch đó, kết hợp với chính sách thuế thân thiện cho doanh nghiệp và các chính sách điều phối, được thực hiện trong một kỉ nguyên mua bán và sáp nhập (M&A) nhằm tạo ra các tập đoàn siêu lớn. Chỉ trong vòng 20 năm qua, hơn 75% các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ, từ hàng không đến dược phẩm đều trải nghiệm sự tập trung gia tăng này. Điều này khiến cho kích cỡ trung bình của các công ty niêm yết đã tăng lên gấp ba. Kết quả cuối cùng là sự suy giảm tinh thần doanh nghiệp, sự đình trệ tăng trưởng, giá cá tăng phi mã với ít lựa chọn hơn cho khách hàng.

Điều tương tự đang xảy ra ở mạng xã hội và ngành truyền thông số. Facebook đã chiếm lĩnh mạng xã hội mà không vấp phải bất cứ một sự kiểm soát mạnh mẽ nào từ nền tảng thị trường. Điều này có nghĩa là mỗi khi Facebook gặp vấn đề, nó sẽ lặp lại một mô thức quen thuộc: đầu tiên là giận dữ, sau đó thất vọng và cuối cùng từ chức.

Vào năm 2005, khi tôi còn làm việc ở văn phòng đầu tiên của Facebook, trên đường Emerson Street, trung tâm Palo Alto, tin tức về việc Rupert Murdoch, ông chủ của News Corporation thâu tóm mạng xã hội Myspace với giá 580 triệu $ đã gây kinh ngạc mạnh mẽ. Đèn trên đầu chúng tôi lúc đó đang tắt, cả nhóm đang gõ ỳ ạch trên bàn phím, khuôn mặt tươi trẻ tuổi 21 của chúng tôi phảng phất trên màn hình máy tính. Tôi đã nghe một tiếng "whoa" thảng thốt, và tin đó dường như lan ra một cách thầm lặng khắp căn phòng bằng phần mềm nhắn tin tức thời của AOL. Chân trời của tôi đã mở rộng. Thật không, 580 triệu $.

Facebook lúc đó đang cạnh tranh với Myspace, một cách không đối xứng. Chúng tôi tập trung vào các sinh viên đại học vào thời điểm đó, nhưng chúng tôi sử dụng danh tính thật trong khi Myspace lại đầy thứ ảo. Người dùng của chúng tôi gắn kết tích cực hơn, họ vào Facebook mỗi ngày, nếu không nói là vài giờ. Chúng tôi tin rằng Facebook sẽ vượt qua Myspace về chất lượng, và sẽ dễ dàng thay thế nó nếu có đủ thời gian và tiền bạc. Nếu Myspace đáng giá 580 triệu $ thì Facebook ít nhất phải đáng giá gấp đôi.

Từ những ngày đầu đó, Mark đã thường xuyên sử dụng cụm từ "chinh phục" để mô tả tham vọng của mình mà không phải kiểu tỏ ra mỉa mai hay khiêm tốn. Công ty của chúng tôi đã thực sự cạnh tranh với cả thị trường mạng xã hội: không chỉ Myspace, mà đồng thời với Friendster, Twitter, Tumblr, LiveJournal và nhiều công ty khác. Áp lực để đánh bại tất cả bọn họ đã nuôi dưỡng sự sáng tạo và dẫn đến nhiều tính năng và cấu trúc khác biệt của Facebook: sự đơn giản, giao diện bắt mắt, cập nhập tin (News Feed), sự gắn kết với danh tính đời thực và nhiều thứ khác nữa.

Động lực cạnh tranh đã khiến Mark, trong nhiều năm, tiến hành thâu tóm hàng chục công ty khác, bao gồm hai nền tảng khổng lồ Instagram và Whatsapp lần lượt vào các năm 2012 và 2014. Khi đó, tôi không mảy may nghi ngờ về tính phi đạo đức của các nước cờ trên.

Một đêm mùa hè trong cao điểm vụ thâu tóm Myspace, tôi nhớ là đã lái xe về nhà sau giờ làm cùng Mark, một ngôi nhà mà chúng tôi chia sẻ cùng với một vài kĩ sư và các nhà thiết kế. Tôi ngồi ở ghế hành khách của chiếc Infiniti S.U.V mà nhà đầu tư của Facebook Peter Thiel đã mua cho Mark để thay thế cho chiếc xe Jeep cũ kĩ của anh. Khi chúng tôi rẽ phải vào đại lộ Valparaiso, Mark đã thổ lộ về những áp lực mà anh đối diện: "Bây giờ chúng ta đang tuyển dụng quá nhiều người..." anh nói hơi có phần bối rối "Chúng ta không thể thất bại".

Facebook đã chuyển hóa từ một dự án được phát triển ở phòng kí túc xá ở trường, sau đó một ngôi nhà mùa hè lộn xộn thành một công ty nghiêm túc với các luật sư tư vấn chuyên nghiệp cùng một phòng ban nhân sự (HR). Chúng tôi có khoảng 50 nhân viên và gia đình của họ dựa vào Facebook để nuôi sống gia đình. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thầm nghĩ, cuộc chơi này sẽ không bao giờ ngừng. Công ty càng lớn hơn bao nhiêu, chúng tôi càng phải làm việc chăm chỉ hơn để giữ sự tăng trưởng của nó.

Chỉ một thập kỉ sau đó, Facebook đã chạm đến phần thưởng của sự chinh phục. Nó có giá trị gần 500 tỷ $ và theo ước tính của tôi, chiếm giữ 80% lợi nhuận từ thế giới mạng xã hội. Đó là sức mạnh của sự độc quyền, đè bẹp các đối thủ, xóa sổ sự cạnh tranh từ các hạng mục khác nhau của mạng xã hội. Điều này giải thích lý do tại sao, trong suốt một năm khủng hoảng 2018, EPS (lợi nhuận trên cổ phần) của Facebook tăng 40% so vời năm trước đó. (tôi đã thanh lý hoàn toàn cổ phần của mình ở Facebook vào năm 2012 và hầu như không đầu tư trực tiếp với bất kì công ty mạng xã hội nào).

Sự độc quyền của Facebook thể hiện rõ ở các con số thống kê. 70% người lớn ở Mỹ sử dụng mạng xã hội thì đại đa số trong đó sử dụng các sản phẩm của Facebook. Hơn 2/3 sử dụng trang web lõi của Facebook, 1/3 sử dụng Instagram và 1/5 sử dụng Whatsapp. Ngược lại chỉ 1/3 người dùng trên sử dụng Pinterest, Linkedin hay Snapchat. Chúng ta gia nhập mạng xã hội này ban đầu là để giải trí vui vẻ nhưng sau đó lại vùi đầu vào nền tảng này để giao tiếp trực tuyến.

Thậm chí ngay cả khi mọi người muốn thoát khỏi Facebook, họ cũng không có một sự thay thế nào tương xứng. Chỉ cần quan sát phản ứng của công chúng sau sự cố Cambridge Analytica. Sự lo lắng về quyền riêng tư cũng như sự sụp đổ niềm tin về những ý định tốt đẹp của Facebook đã dẫn đến làn sóng xóa bỏ Facebook. Theo như Trung tâm nghiên cứu Pew, một phần tư người dùng đã xóa tài khoản của họ khỏi điện thoại, nhưng đại đa số chỉ là tạm thời. Tôi đã từng nghe nhiều người bạn chia sẻ "Tôi sẽ không dùng Facebook nữa, cảm ơn chúa vì đã có Instagram thay thế, họ không hề nhận ra Instagram là một nhánh con của Facebook. Cuối cùng thì người dùng không hề rời khỏi các nền tảng của công ty này theo quy mô lớn. Chúng ta sẽ đi đến nơi nào đây để thoát khỏi Facebook?

Sự thống trị của Facebook không phải là một sự kiện ngẫu nhiên của lịch sử. Chiến lược của công ty nhằm đánh bại các đối thủ đã được sự chấp thuận ngầm ẩn và đôi lúc rõ ràng của những người làm luật hay chính phủ. F.T.C (Ủy ban thương mại liên bang) đã ban hành một sắc lệnh (decree) vào năm 2011 nhằm chế tài việc sử dụng dữ liệu người dùng của Facebook : không được phép chia sẻ thông tin người dùng vượt ngoài sự đồng ý của họ. Đây là một trong những nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát mạng xã hội, tuy nhiên Facebook dường như chả quan tâm đến sắc lệnh đó. Vào tháng trước, sau ngày mà công ty này nhận được tin mình sẽ phải đóng phạt tới 5 tỷ $ cho sự lơ đễnh của mình - một hình phạt quá sức nhẹ nhàng - cổ phiếu của Facebook tăng 7%, thêm vào tới 30 tỷ $ giá trị của nó, gấp 6 lần số tiền phạt.

Lỗi lầm lớn nhất của F.T.C là cho phép Facebook thâu tóm Instagram và Whatsapp. Vào năm 2012, những nền tảng mới này đã gần vượt mặt Facebook vì chúng được xây dựng trên nền tảng điện thoại thông minh, nơi Facebook vẫn phải tranh đấu để dành thị phần. Mark phản ứng bằng cách mua lại và F.T.C đã chuẩn thuận.

Không phải vì Instagram hay Whatsapp có doanh thu hấp dẫn mà bởi vì cả hai đã trở nên quá phổ biến. Việc thâu tóm Instagram giúp duy trì vị thế thống trị của Facebook trong thị trường chia sẻ hình ảnh và Whatsapp giúp đưa gã khổng lồ bước vào thế giới nhắn tin tức thời của di động. Hiện tại các nhà sáng lập của Instagram và Whatsapp đã rời khỏi công ty sau khi xung đột với Mark về cách quản lý những nền tảng này. Nhưng những tài sản trước kia của họ đã thuộc về Facebook, góp phần đáng kể vào tăng trưởng gần đây của công ty.

Khi không áp dụng được chiêu thức sáp nhập, Facebook sẽ dùng vị thế độc tôn của mình để đè nén các công ty đối thủ hay sao chép công nghệ của họ.

Thuật toán News Feed được cho là ưu tiên những video được tạo ra trên Facebook hơn là ở các nền tảng khác như Youtube hay Vimeo. Vào năm 2012, Twitter đã giới thiệu một mạng lưới video mới tên Vine cho phép tạo các video 6 giây. Cùng ngày đó, Facebook đã khóa không cho phép Vine sử dụng một công cụ nhằm giới thiệu bạn bè facebook tham gia khi đang ở trên một mạng lưới mới. Quyết định này đã làm suy yếu Vine, nền tảng này đóng cửa sau đó 4 năm.

Snapchat là một mối đe dọa khác. Chức năng Stories của Snapchat và tùy chọn tin nhắn không tồn tại vĩnh viễn biến nền tảng này thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho Facebook và Instagram. Không như Vine, Snapchat không tương tác với hệ sinh thái của Facebook; không có một cách nào rõ ràng để đè bẹp hay đóng cửa công ty này. Facebook chỉ đơn giản là sao chép nó.

Phiên bản Stories (mô phỏng Snapchat) cùng các tin nhắn tự biến mất của Facebook đã có những thành công rõ rệt ảnh hưởng tới việc kinh doanh của Snapchat. Trong một cuộc họp công ty vào năm 2016, Mark đã nói với các nhân viên của mình về việc đừng để lòng tự hào khiến cho họ phải thỏa mãn tất cả yêu cầu của người dùng. Theo như tạp chí Wired, lời nhắn của Zuckerberg đã trở thành một khẩu hiệu không chính thức của Facebook:"Đừng quá tự hào về việc sao chép"

(Hầu như có rất ít các nhà kĩ trị có thể làm gì với chiến lược này: Snapchat đã đăng kí bản quyền "tập hợp các kiểu tin nhắn ngắn hạn" nhưng luật bản quyền lại không mở rộng tới những phiên bản trừu tượng khác của nó)

Kết quả của điều này là gì, những đối thủ cạnh tranh tiềm năng không thể kêu gọi đủ tiền để có thể cạnh tranh sòng phẳng với Facebook. Các nhà đầu tư nhận ra rằng nếu các công ty trên kiếm được phần nào đó của miếng bánh thì Facebook sẽ lập tức sao chép sự sáng tạo của họ, đóng cửa nó hoặc thâu tóm nó với một mức giá khiêm tốn. Mặc dù các mô hình kinh tế ngày càng mở rộng, mối quan tâm công nghệ ngày càng cao, sự bùng nổ các quỹ đầu tư mạo hiểm cùng xu hướng tẩy chay Facebook của công chúng nhưng hầu như không có bất cứ một mạng xã hội chính yếu nào được thành lập kể từ mùa thu 2011.

Khi một thị trường trở nên tập trung hơn, con số các công ty khởi nghiệp sẽ bị suy giảm. Điều này hoàn toàn đúng trong lĩnh vực công nghệ cao bị thống trị bởi một vài công ty lớn, như tìm kiếm (kiểm soát bởi Google), và thương mại điện tử (bị chi phối bởi Amazon). Trong khi đó, có rất nhiều sáng tạo trong những lĩnh vực không có sự độc quyền, như là lĩnh vực "hiệu suất công việc" (Slack, Trello, Asana), vận chuyển đô thị (Lyft, Uber, Lime, Bird) và trao đổi tiền mã hóa (Ripple, Coinbase, Circle).

Tôi không trách Mark về tham vọng chinh phục. Anh ta đã thể hiện không gì khác hơn một sự tranh đấu hung hãn hơn là cao quý của một doanh nhân tài năng. Anh ta đã tạo ra một con quái vật càn phét mạnh mẽ tinh thần doanh nhân và hạn chế đi các lựa chọn của khách hàng. Chính phủ của chúng ta cần đảm bảo sẽ không đánh mất phép màu của bàn tay vô hình (lý thuyết kinh tế của Adam Smith). Làm thế nào mà chúng ta lại để điều này xảy ra?

Kể từ thập niên 70, tòa án đã trở nên lưỡng lự trong việc chia tách các công ty hay ngăn chặn việc sáp nhập nếu người tiêu dùng không phải trả một cái giá cắt cổ mà lẽ ra phải rẻ hơn trong một thị trường cạnh tranh. Nhưng việc chỉ dựa vào trải nghiệm giá của người tiêu dùng đã không phản ánh đầy đủ ảnh hưởng của việc chinh phạt thị trường, nó bỏ qua việc thị trường cạnh tranh còn có mục tiêu khuyến khích sự sáng tạo và kiểm soát quyền lực. Các khía cạnh trên đã bị xem thường trong lịch sử của luật chống độc quyền. Hai vụ kiện chống độc quyền lớn trong thập niên 80 xoay quanh AT&T và IBM đã tranh luận nhiều hơn về việc những gã khổng lồ sử dụng quy mô của mình để đè bẹp sự sáng tạo và phá hủy tính cạnh tranh.

Giáo sư luật của trường Columbia, Tim Wu đã viết: "Quả là nguy hại cho luật cùng những ý định tốt đẹp của nó khi duy trì sự tập trung quanh việc xem "hiệu ứng giá cả" là thang đo duy nhất của sự chống độc quyền."

Facebook là một trường hợp hoàn hảo để chúng ta đảo ngược quan điểm trên, chính xác là bởi vì Facebook kiếm tiền từ quảng cáo hướng đối tượng, có nghĩa là người dùng không phải trả tiền khi sử dụng dịch vụ Facebook. Nhưng nó không thực sự miễn phí, và dĩ nhiên không hẳn là vô hại.

Mô hình kinh doanh của Facebook được xây dựng dựa trên việc thu hút nhiều nhất có thể sự chú ý của chúng ta, khuyến khích mọi người tạo các nội dung mới đồng thời chia sẻ các thông tin cá nhân (chúng ta là ai và ai là người mà chúng ta muốn trở thành). Người dùng chi trả cho Facebook bằng dữ liệu và sự chú ý của mình, và với bất kì thang đo nào, điều này không hề rẻ.

Tôi đã từng làm việc cùng đội ngũ News Feed lúc ban đầu (tên của tôi cũng có trong bằng sáng chế) và bây giờ sản phẩm này đã có hàng tỷ giờ thu hút sự chú ý và hút về đó khối lượng dữ liệu không lường được hàng năm. Một người sử dụng Facebook trung bình bỏ ra một giờ một ngày trên nền tảng này; người dùng Instagram bỏ ra 53 phút một ngày để lướt qua các hình ảnh và video. Họ tạo ra khối lượng dữ liệu khổng lồ - không phải chỉ là lượt "thích" hay "không thích" mà còn là bao nhiêu giây chúng ta xem một video cụ thể - Facebook dùng dữ liệu này để điều chế quảng cáo hướng đối tượng của họ. Facebook cũng thu thập dữ liệu người dùng từ các ứng dụng của công ty đối tác, điều mà đại đa số người dùng hầu như không để mắt đến, theo như bài kiểm tra của tuần báo The Wall Street.

Có một ngày, khi nằm cạnh con trai một tuổi, cậu bé đang chơi cùng những chú khủng long, tôi đã vô thức cầm điện thoại lướt qua Instagram bạn bè, chờ xem những hình mới có đẹp hay thú vị hơn những hình cũ. Tôi chợt thảng thốt, mình đang làm gì vậy? Tôi biết nó chẳng tốt lành gì cho tôi, hoặc con trai tôi, nhưng sao tôi vẫn dấy vào.

Lựa chọn này là của tôi, nhưng nó có vẻ như không còn giống như một lựa chọn. Facebook đã thẩm thấu vào trong mỗi ngóc ngách của chúng ta để thu hút mọi sự chú ý cũng như thu thập nhiều dữ liệu nhất có thể. Dù không có bất cứ lựa chọn thay thế nào, chúng ta vẫn tiến hành buôn bán trao đổi trên thị trường dữ liệu này.

Một thị trường năng động, thứ đã lèo lái Facebook cùng những công ty mạng xã hội khác cạnh tranh nhằm đem đến sản phẩm tốt nhất, đã hoàn toàn biến mất. Điều này có nghĩa là sẽ ít có cơ hội để các công ty khởi nghiệp mạng xã hội có thể phát triển một nền tảng tốt hơn, ít bóc lột người dùng hơn. Điều này cũng có nghĩa là sự kiểm soát quyền riêng tư của người dùng bị xem nhẹ.

Chỉ một tháng trước, Facebook dường như đã cố chôn chặt tin tức về việc họ đã lưu trữ 10 triệu mật mã người dùng trong một văn bản mà hàng ngàn nhân viên Facebook có thể nhìn thấy. Cạnh tranh "độc tôn" kiểu Mark không thể giúp nuôi dưỡng sự bảo vệ dữ liệu cá nhân - các luật lệ được thiết lập nhằm đảm bảo sự kiểm soát - nhưng Facebook đã khóa "tính đa dạng của thị trường": khi người dùng không hài lòng, họ có thể chống cự bằng cách chuyển qua một nền tảng thay thế khác.

Khía cạnh đau đầu nhất trong quyền lực của Facebook là quyền kiểm soát vô hạn của Mark đối với "ngôn luận". Không có đặc quyền nào cho phép Mark theo dõi, tổ chức và kiểm duyệt việc trao đổi của hơn 2 tỷ người.

Các kĩ sư của Facebook đã viết các thuật toán để lựa chọn những phản hồi (comment) hay trải nghiệm của người dùng được phép thể hiện trên News Feeds của bạn bè họ và gia đình. Cách "thể hiện nội dung" này đã được đăng kí độc quyền và quá phức tạp khiến cho chính bản thân nhân viên của Facebook cũng khó có thể hiểu.

Vào năm 2014, các thuật toán trên đã cổ súy cho việc sử dụng những tiêu đề "mồi nhử" nhằm khiêu khích sự tò mò. Tới năm 2016, họ đã cho phép sự lan rộng của các quan điểm chính trị ngoại vi cùng tin giả, khiến cho các nhân tố Nga có thể dễ dàng điều khiển cuộc bầu cử của Hoa Kỳ. Và trong tháng 1/2018, Mark mới thông báo các điều chỉnh thuật toán nhằm hỗ trợ cho việc tiếp cận các nội dung được tạo ra bởi bạn bè (không phải tin tức) và tin tức đến từ các nguồn tin cậy (theo như phân tích của các kĩ sư Facebook) - một sự cải tiến trong các hạng mục "chính trị, tội phạm, bi kịch" của Facebook.

Facebook đã phản hồi các chỉ trích về cách họ quản lý "công luận" bằng việc tuyển dụng hàng ngàn người độc lập để thực thi các quy định/luật lệ mà Mark và các quản lý cấp cao phát triển. Sau một vài tuần huấn luyện, những người này sẽ quyết định video nào được xem là gây thù hằn và video được xem là phát biểu tự do, hay hình ảnh nào được xem là khiêu dâm và hình ảnh nào được coi là nghệ thuật, livestream nào là quá bạo lực để công khai. (The Verge đã điều tra một số thông tin về nhân sự của đội ngũ trên: làm việc qua một đối tác ở Arizona, được chi trả 28,800$ một năm, có thời gian nghỉ hạn chế và đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần).

Và nếu như sự mù mờ trong thuật toán của Facebook vẫn chưa đủ thì chúng ta nên biết trong năm ngoái cấp quản lý của Facebook đã xóa hoàn toàn các tin nhắn của họ ra khỏi nền tảng này, chúng biến mất hoàn toàn khỏi hộp thư của người nhận với nguyên cớ xuất phát từ những lo lắng về vấn đề bảo mật của tập đoàn. Khi tôi xem lại các tin nhắn trên Facebook trước kia với Mark, đó chỉ là một chuỗi các phản hồi xanh nhạt của tôi, được viết nhằm hồi đáp lại những câu chuyện trò của Mark. (Facebook đã cung cấp chức năng này tới tất cả người dùng).

Một trong những ví dụ cực đoan nhất về cách Facebook can thiệp sâu vào ngôn luận xảy ra ở Myanmar trong cuối năm 2017. Mark đã nói trong một bài phỏng vấn với Vox rằng anh ta đã ra quyết định mang tính cá nhân trong việc xóa các tin nhắn riêng tư của người dùng Facebook, những kẻ cổ súy cho sự diệt chủng ở đó. "Tôi nhớ, vào một buổi sáng thứ Bảy, tôi nhận được một cuộc điện thoại." và anh ta nói "chúng tôi đã phát hiện một số người cố gắng lan tỏa những thông điệp nhạy cảm qua Facebook Messenger - tới các bên liên quan trong cuộc xung đột, chủ yếu là hướng tới người Hồi Giáo, "Này, đang có một cuộc nổi dậy của những Phật tử, hãy đảm bảo rằng bạn được vũ trang đầy đủ để đi đến nơi đó". Đồng thời cũng có thông điệp tương tự ở phía kia.

Mark đã tuyên bố:" Chúng tôi ngăn chặn tất cả những tin nhắn kiểu như vậy". Đại đa số mọi người đồng ý với quyết định trên, nhưng nó đã làm tôi băn khoăn một cách sâu sắc về việc không có bất cứ một cơ quan có thẩm quyền hay chính phủ nào kiểm soát quyết định trên của Mark. Facebook có thể, về mặt lý thuyết, xóa các tin nhắn của người Mỹ theo diện rộng, nếu như người lãnh đạo quyết định rằng họ không thích nó.

Mark đã từng nhấn mạnh rằng Facebook chỉ là một công cụ xã hội, một nền tảng trung gian cho con người giao tiếp với với nhau về những gì họ quan tâm. Bây giờ anh ta đã nhận ra rằng Facebook vừa là một nền tảng vừa là một nhà phát hành - và rõ ràng không tránh khỏi việc ra các quyết định dựa trên một tập giá trị nào đó. Các luật sư của công ty đã tranh luận ở tòa về việc Facebook là một nhà phát hành và do đó cần được bảo vệ Theo Tu Chính Án thứ Nhất (First Amendment)

Không có ai ở đại bản doanh của Facebook ngồi lựa chọn các tin tức nào mà mỗi sáng người Mỹ thức dậy sẽ đọc, dĩ nhiên, nhưng họ sẽ quyết định bài báo nào của các hãng nổi tiếng hay clip nào của "The Daily Show", một hình ảnh từ đám cưới một người bạn hoặc một cuộc gọi kích động giết chóc từ người khác được phép xuất hiện.

Mark biết rằng có rất nhiều quyền lực ở Facebook và đang theo đuổi chiến lược gồm hai phần để giảm thiểu nó. Thứ nhất, anh ta đã hướng sự tập trung của Facebook vào việc khuyến khích sự riêng tư, mã hóa các tin nhắn khiến cho nhân viên của Facebook không thể đọc được, trao quyền kiểm soát độc lập. Thứ hai, anh đã chào mừng sự quan tâm của các nhà làm luật và các cấp quản lý đến từ những ngành nghề khác.

Năm ngoái, anh ta đã đề xuất một một ủy ban độc lập nhằm giải quyết quá trình điều tiết nội dung phức tạp trên nền tảng mạng xã hội. Nó sẽ giúp tạo ra một nhánh kiểm soát độc lập các quyết định của Facebook và người dùng có thể dựa vào khi họ bất đồng với các quyết định của nền tảng này nhưng nếu không có áp lực "thật" của luật liệu các công ty có tình nguyện tham gia.

Trong một bài chia sẻ trên The Washington Post vào tháng ba, anh ta viết, "Những nhà làm luật thường nói chúng tôi có quá nhiều quyền lực "ngôn luận" và tôi đồng ý". Mark còn đi sâu hơn thế, anh kêu gọi một sự kiểm soát từ chính quyền - không chỉ trong ngôn luận, mà còn là ở quyền riêng tư, tính tương tác và khả năng của người tiêu dùng trong việc rời bỏ mạng lưới này đồng thời chuyển thông tin cá nhân, kết nối bạn bè, hình ảnh cùng các dữ liệu liên quan qua nền tảng khác.

Tôi không nghĩ những đề xuất trên được đưa ra một cách không thành thật nhưng tôi nghĩ rằng đó là một nỗ lực nhằm chuyển hướng các cuộc tranh luận khỏi việc những người làm luật cần đi xa hơn - chia nhỏ công ty này. Facebook không sợ hãi việc có thêm một ít chế tài. Họ chỉ sợ việc chống độc quyền và sự kiểm soát mạnh mẽ của chính quyền được áp dụng thực sự.

Chúng ta không trông chờ việc các công ty dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, các nhà sản xuất xe hơi hoặc các nhà cung cấp thẻ tín dụng được điều phối bởi các quy định chặt chẽ hoặc các ủy ban tình nguyện. Các cơ quan giám sát sự vận động của các ngành công nghiệp cần đảm bảo thị trường tư nhân hoạt động dựa trên lợi ích của công chúng, nghĩa là chính phủ không can thiệp vào tính hữu cơ của thị trường, họ chỉ đảm bảo tính công bằng và sự năng động cần thiết. Điều này cần được áp dụng cho mạng xã hội cùng cách với thị trường dược phẩm hay hàng không.

Vào mùa hè năm 2016, Yahoo đề xuất một thỏa thuận mua lại trị giá 1 tỷ $ cho Facebook. Tôi thực sự muốn Mark nói lời đồng ý. Thậm chí một miếng bánh nhỏ mà tôi có trong công ty này có thể biến tôi trở thành một triệu phú. Với một thằng nhóc 22 tuổi ở Bắc Carolina đến Harvard bằng học bổng, số tiền trên là không thể tưởng tượng nổi. Tôi không đơn độc, nhiều người khác trong công ty cũng muốn điều thỏa thuận trên.

Nói cởi mở về vấn đề trên có vẻ là một điều cấm kỵ, nhưng tôi đã tế nhị hỏi Mark khi anh ở một mình, "Bạn nghĩ thế nào về Yahoo?". Tôi đã nhận được một cái nhún vai và một câu trả lời thẳng thắn:"Tôi không biết liệu mình có muốn làm việc cùng với Terry Semel hay không" (Tổng giám đốc của Yahoo khi đó).

Ngoài việc làm cùng một số người bạn trong trường, Mark chưa bao giờ thực sự có một người sếp và có vẻ anh cũng không quan tâm tới viễn cảnh trên. Bản thân tôi cũng không thích ý tưởng có một người sếp, nhưng tôi lại muốn làm việc cho một ai đó nếu họ đem đến cho tôi vài triệu đô một ngày nào đó trong tuần. Động lực của Mark ngày càng mạnh mẽ hơn. Chinh phục có nghĩa là chinh phục, và cuộc chạy đua trên trở nên quá hấp dẫn.

Mark có thể sẽ không bao giờ có người sếp nào, nhưng anh ta cần phải có một sự kiểm soát quanh quyền lực của mình. Chính phủ Hoa Kỳ cần phải làm hai việc: chia tách sự độc quyền của Facebook và kiểm soát công ty này để giúp nó trở nên khuôn khổ hơn trong mắt công chúng Hoa Kỳ.

Trước tiên, Facebook cần phải được chia ra thành nhiều công ty nhỏ hơn. FTC cùng với Bộ Công Lý cần phải thực thi luật chống độc quyền bằng cách hủy bỏ sự sáp nhập của Instagram và Whatsapp đồng thời cấm luôn các kiểu sáp nhập như vậy trong tương lai. FTC lẽ ra đã phải cản trở những cuộc sáp nhập "nguy hại" từ trứng nước nhưng không bao giờ là quá trễ để hành động. Đã từng có tiền lệ về việc sữa chữa các sai lầm này - như đã từng xảy ra gần đây trong năm 2009, Whole Foods đã phản ứng trước các cáo buộc "chống độc quyền" bằng cách bỏ đi thương hiệu Wild Oats và các cửa hàng mà họ đã mua nhiều năm trước đó.

Cũng có một vài bằng chứng rằng chúng ta đang đi đúng hướng. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã yêu cầu đảo ngược các vụ sáp nhập của Facebook, và vào tháng 2, FTC đã thông báo về việc tạo ra các lực lượng nhằm giám sát cạnh tranh giữa các công ty công nghệ và xem xét lại các thỏa thuận sáp nhập trước đây.

Việc chia tách sẽ diễn ra như thế nào? Facebook sẽ có một khoản thời gian ngắn để rời bỏ Instagram và Whatsapp, và ba công ty sẽ trở thành những công ty độc lập, với cổ phiếu được giao dịch rộng rải ra công chúng. Các cổ đông của Facebook sẽ vẫn nắm cổ phẩn ở các công ty mới, mặc dù Mark và một số nhà điều hành sẽ bị buộc phải bỏ đi phần cổ phần kiểm soát của mình.

Trong thời gian gần đây, Whatsapp và Instagram đã được giám sát như là các nền tảng độc lập trong công ty mẹ, và điều này các khiến việc chia tách dễ dàng hơn. Nhưng thời gian đang trở thành quan trọng: Facebook đang làm việc nhanh nhất có thể để hợp nhất ba công ty, điều khiến cho FTC không thể chia tách.

Nhiều nhà kinh tế học hoài nghi về việc chia tách Facebook sẽ không chắc là có nuôi dưỡng cạnh tranh, bởi vì Facebook, như cách họ nói là một nền tảng độc quyền đến một cách tự nhiên. Sự độc quyền tự nhiên đã trổi dậy trong một số khu vực như hệ thống nước hay mạng lưới điện, nơi giá cả gia nhập thị trường là vô cùng đắt đỏ - bởi vì bạn phải lắp đặt đường ống hay đi các đường dây điện - nhưng sẽ ngày càng rẻ hơn khi bạn có thêm nhiều khách hàng mới. Nói cách khác, sự gia tăng độc quyền đến một cách tự nhiên từ đặc tính của ngành hơn là một quá trình can thiệp phi pháp. Thêm nữa, những người bảo vệ quan điểm độc quyền tự nhiên thường nhấn mạnh việc họ đem đến lợi ích cho người tiêu dùng: họ đem đến một dịch vụ rẻ hơn bất kì ai cho khách hàng.

Facebook sẽ trở nên có giá trị hơn khi càng có nhiều người ở trên nền tảng này: càng nhiều kết nối của người dùng thì càng nhiều nội dung được tạo ra. Nhưng chi phí để gia nhập mạng xã hội thì không cao như vậy. Và không giống như đường ống nước hay dây điện, sẽ không có một tranh luận sắc sảo nào về việc đất nước này sẽ có lợi như thế nào từ việc chỉ có một công ty độc chiếm mạng xã hội.

Vẫn có nhiều người lo lắng về việc chia tách Facebook hoặc các công ty công nghệ Mỹ khác có thể tạo ra hệ lụy nghiêm trọng cho an ninh quốc gia. Bởi vì những cải tiến trong trí tuệ nhân tạo (AI) đòi hỏi một lượng lớn dữ liệu cùng sức mạnh tính toán, chỉ những công ty lớn như Facebook, Google và Amazon có thể chi trả những khoản đầu tư này. Nếu những công ty Mỹ trở nên nhỏ hơn, các công ty Trung Quốc sẽ vượt mặt chúng ta.

Dù nghiêm trọng nhưng những lo lắng trên không thể biện minh cho việc chúng ta không hành động. Thậm chí ngay cả sau khi chia tách, Facebook vẫn là một công ty có lợi nhuận với hàng tỷ đô để đầu tư vào các công nghệ mới - một thị trường cạnh tranh sẽ càng khuyến khích các khoản đầu tư trên. Nếu Trung Quốc vượt mặt chúng ta, chính phủ có thể đầu tư mạnh hơn vào nghiên cứu và phát triển đồng thời theo đuổi các chính sách thương mại có tính chiến thuật hơn - hơn là việc chỉ giữ chân công nghệ 5G của Trung Quốc.

Chi phí của chính phủ trong việc chia tách Facebook sẽ gần như bằng 0 đồng thời nỗ lực trên sẽ đem đến lợi ích kinh tế cho nhiều người. Một lệnh cấm sáp nhập trong ngắn hạn sẽ đảm bảo các đối thủ cạnh tranh, và các nhà đầu tư đã đổ tiền vào họ, có thêm không gian để phát triển. Các nhà quảng cáo số sẽ có thêm nhiều công ty hay lựa chọn để rải các đồng dollar của mình.

Thậm chí các cổ đông của Facebook cũng sẽ được lợi, như thường xảy ra sau mỗi vụ chia tách công ty. Giá trị của các công ty góp phần tạo nên Standard Oil đã tăng gấp đôi sau một năm chia tách và tăng gấp năm lần một vài năm sau nữa. Mười năm sau sự chia tách của AT&T năm 1984, giá trị của các công ty hậu duệ đã tăng gấp ba.

Nhưng những người chiến thắng cuối cùng lại là các công dân Hoa Kỳ. Tưởng tượng một thị trường cạnh tranh trong đó họ có thể lựa chọn một mạng lưới trong đó cung cấp tiêu chuẩn bảo mật cao hơn, một mạng khác phải trả một ít phí khi tham gia nhưng có ít quảng cáo hơn, một mạng khác cho phép người dùng cấu hình và tùy chọn các kiểu tin mà họ muốn thấy. Không ai biết chắc chắn rằng các đối thủ của Facebook có thể cung cấp những phiên bản khác biệt nào. Đây là quan điểm chính yếu của tôi.

Bộ Công Lý đã từng đối diện với những câu hỏi tương tự về chi phí và lợi ích xã hội của AT&T trong thập niên 50. AT&T đã độc quyền dịch vụ điện thoại và các thiết bị truyền thông. Chính phủ đã đệ đơn dựa vào luật chống độc quyền và tình huống này đã kết thúc với một sắc lệnh thống nhất đòi hỏi AT&T phải giải phóng các bằng phát minh và không được phép mở rộng sang mảng công nghiệp máy tính đang ở thời kì sơ khai. Điều này đã dẫn tới sự bùng nổ sáng tạo, sự gia tăng các bằng sáng chế, sự phát triển kì diệu của ngành bán dẫn và tính toán hiện đại (computing). Chúng ta sẽ không thể có iPhones hay máy tính xách tay nếu không có một thị trường cạnh tranh được nuôi dưỡng bởi luật chống độc quyền.

Adam Smith đã đúng: Cạnh tranh nuôi dưỡng tăng trưởng và sáng tạo.

Nhưng chỉ chia tách Facebook không thì chưa đủ. Chúng ta cần phải có một cơ quan chính phủ mới, được trao quyền bởi Quốc Hội để kiểm soát các công ty này, mà yêu cầu trước tiên là phải bảo vệ quyền riêng tư.

Châu Âu đã có những bước tiến đáng kể về quyền riêng tư với bộ Quy Tắc Chung về Bảo Vệ Dữ Liệu (General Data Protection Regulation). một bộ luật nhằm đảm bảo người dùng có một mức bảo vệ tối thiểu. Một đạo luật quyền riêng tư điển hình ở Hoa Kỳ phải xác định chính xác điều gì đang kiểm soát thông tin số của công dân Hoa Kỳ, đòi hỏi một thỏa thuận rõ ràng hơn với người dùng, và cho phép một sự giám sát linh hoạt từ các cơ quan chính phủ (họ có thể có một số can thiệp cơ bản vào các nền tảng này).

Cuối cùng, các cơ quan chính phủ phải tạo ra các hướng dẫn về ngôn luận chuẩn mực trên mạng xã hội. Ý tưởng này nghe có vẻ phi "nước Mỹ" - kiểu như việc chúng ta không chấp nhận một cơ quan chính phủ kiểm duyệt "ngôn luận". Nhưng chúng ta phải có một số giới hạn nhất định như việc hô to: "Có cháy" trong một đám đông ở nhà hát, hình khiêu dâm trẻ em, ngôn từ kích động bạo lực cũng như các tin tức giả nhằm điều chỉnh giá thị trường chứng khoán. Chúng ta sẽ phải tạo ra các tiêu chuẩn tương tự mà các công ty công nghệ có thể sử dụng. Những tiêu chuẩn này dĩ nhiên là phải được xem xét bởi tòa án, cũng như những giới hạn trong ngôn luận. Nhưng hiện tại chưa có quyền hiến định nào để cập đến việc gây phiền nhiễu cho người khác hay livestream các hình ảnh bạo lực.

Đó là những thách thức rất lo lớn. Tôi lo ngại rằng các nhà làm luật của chính phủ sẽ không thể theo kịp tốc độ phát triển của sáng tạo số. Tôi lo lắng về sự cạnh tranh gia tăng trên mạng xã hội sẽ khiến cho Facebook trở nên bảo thủ và một mạng tự do hơn, hoặc những mạng mới hơn sẽ ít được đảm bảo nếu luật lệ chính phủ quá yếu. Nhưng nếu cứ bấu víu vào tình trạng trên thì càng tồi tệ hơn: nếu chúng ta không có một cơ quan chính phủ định hình chính sách, các tập đoàn sẽ làm điều đó.

Nhiều người lo lắng rằng các nỗ lực chia tách Facebook nếu thành công ở tòa, sẽ khiến cho các cơ quan liên bang trở nên dữ tợn hơn với các hành động chống độc quyền, điều này sẽ khiến cho Quốc Hội bị chia rẽ đến mức không tạo dựng đủ sự đồng thuận để kiến tạo một cơ quan kiểm soát mạng xã hội.

Nhưng thậm chí ngay cả khi việc chia tách và luật lệ không thành công ngay tức thì, thì nó cũng thúc đẩy một sự giám sát mạnh mẽ hơn. Như trường hợp chính phủ chống lại tập đoàn Microsoft - công ty này đã sử dụng quyền lực thị trường "hệ điều hành" một cách bất hợp pháp - như việc họ ép khách hàng phải sử dụng trình duyệt IE -Internet Explorer, kết thúc vào năm 2001 khi chính quyền George W. Bush chống lại mọi nỗ lực chia cắt Microsoft. Phán quyết trên đã giúp củng cố tham vọng thống trị của Microsoft trong thời kì sơ khai của Internet.

Tương tự như vụ kiện của Bộ Công Lý trong thập niên 70 tới IBM - quay quanh sự độc quyền kinh doanh máy tính cá nhân của họ - đã kết thúc trong sự bế tắc nhưng là chất xúc tác giúp IBM đã thay đổi hành vi của mình. Họ đã ngừng việc kết hợp các sản phẩm cứng và mềm với nhau, chọn một thiết kế đặc biệt cởi mở cho hệ điều hành trong máy tính cá nhân và không thực hiện việc kiểm soát các nhà cung cấp. Giáo sư Wu đã viết rằng "bài kiểm tra của chính quyền/policeman at the elbow" đã dẫn dắt IMB chuyển hướng sang các hành động chống độc quyền vì sợ rằng sẽ đổ thêm dầu vào lửa.

Chúng ta kỳ vọng một viễn cảnh tương tự cho sự kiện cáo bất thành với Facebook.

Cuối cùng, một vụ chống đối Facebook mạnh mẽ, sẽ thuyết phục các gã khổng lồ khác như Google và Amazon suy nghĩ hai lần trước khi đè bẹp sự cạnh tranh trong lĩnh vực của mình. Không cẩn thận, sau Facebook sẽ tới lượt bản thân họ. Chính phủ nếu khôn khéo tận dụng sự kiện này để xem xét lại các tiêu chuẩn cạnh tranh hiệu quả, mở rộng nó ra tới các sản phẩm công nghệ "miễn phí" , nó có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Quá trình thay thế quyền lực "độc quyền" có thể trở nên ảm đạm nếu chúng ta không hành động, Facebook sẽ kéo dài vị thế độc tôn của mình. Khi cả thế giới đang nắm trong tay nhiều công cụ giao tiếp cá nhân (như điện thoại), Facebook sẽ khai thác sâu thêm nhiều dữ liệu giúp định vị các khuôn mẫu và xu hướng - từ đó sẽ nó củng cố thêm lợi thế của Facebook trước các đối thủ khác trong nhiều thế kỉ tới.

Tôi cần phải chịu trách nhiệm nếu không đưa ra được lời cảnh báo sớm hơn. Don Graham, một thành viên ban quản trị của Facebook, người từng buộc tội những ai chỉ trích công ty là "sự dũng cảm của người cuối cùng nhảy vào "pile/một pha tranh đấu dành bóng nghẹt thở" trong một trận bóng bầu dục." Phần thưởng tài chính tôi có được khi làm việc cho Facebook đã thay đổi sâu sắc cuộc sống của tôi thậm chí ngay cả khi tôi đã rút hết phần vốn của mình. Tôi luôn kinh ngạc trước sự tăng trưởng lớn mạnh của Facebook. Phải tới vụ bầu cử 2016 cùng sự kiện Cambridge Analytica tôi mới thức tỉnh về sự độc quyền nguy hiểm của Facebook. Nhưng bất cứ ai xem Facebook như một người chơi bóng bầu dục cố định đã không phản ánh đủ sự dẻo dai và sức mạnh của họ.

Kỷ nguyên kiểm soát Facebook cũng như những kẻ độc quyền khác chỉ mới bắt đầu. Sự giận dữ đang gia tăng, nhiều nhà lãnh đạo với tâm thế mới bắt đầu trỗi dậy. Ở Capitol Hill, chính trị gia David Cicilline đang có một mối quan tâm đặc biệt đến quyền lực độc quyền, và Nghị sĩ Amy Klobuchar cùng Ted Cruz đã tham gia cùng với Nghị sĩ Warren trong việc kêu gọi giám sát. Các nhà kinh tế như Jason Furman, cựu chủ tịch của Ủy Ban Cố Vấn Tài Chính, đang nói không ngừng về độc quyền, một tập hợp các học giả pháp lý như Lina Khan, Barry Lynn và Ganesh Sitaraman cũng đang thúc đẩy vấn đề này tiến lên.

Các làn sóng của khu vực công, các học giả, nhà hoạt động xứng đáng có được sự ủng hộ. Mark Zuckerberg không thể sửa chữa Facebook, nhưng chính phủ thì có thể.

Bài dịch của anh Nguyen Ha Quan
 
Top