“Văn hóa mày, tao”

quankuken2

Tài xế mới
  1. Ở xứ sở Nam bộ, "mày, tao" là ngôn từ giao tiếp khá phổ biến giữa những người thân thiết cùng thứ bậc, theo một quy tắc rõ ràng!

Chưa rõ gọi "mày, tao" có từ bao giờ? Đại từ nhân xưng "ngộ/moi/tao, nị/toi/mày" có ảnh hưởng lớn; nhưng cách gọi của người Hoa và phương Tây không được phổ biến vì nó gọi chung, mang tính đại khái, đại từ chung; trong khi hệ thống nhân xưng của tiếng Việt còn sử dụng một số lượng lớn các danh từ chỉ quan hệ họ hàng để xưng hô, thay thế và những danh từ thân tộc, dòng họ này là bản sắc riêng của người Việt; có xu hướng lấn át các đại từ nhân xưng ngoại lai, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Van-hoa-ung-xu.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Tuổi trẻ cười)

Ông cha ta dạy cách xưng hô rất chuẩn mực, theo một quy tắc riêng rất rõ ràng, nặng tính phụ thuộc, khiêm nhường, tình nghĩa để giữ gìn mối quan hệ chung: Trong gia đình, theo thứ tự anh Hai, chị Ba, thằng em, con em. Thời còn nhỏ hay nói mày, tao với em út mình; khi em đã có dâu, có rể, có cháu nội, ngoại rồi thì mượn cách gọi của con để gọi em là “chú”, “cô”, “cậu”, “dì” (chú em, cậu em,…) và tránh từ “tao” bằng “tui”; tránh gọi tên và gọi mày, tao trước mặt con cháu; càng không được mày, tao với dâu, với rể; đó là để giữ cái “tôn ti” thứ bậc, lễ phép trong gia đình. Quan hệ họ hàng dòng tộc cũng vậy, theo “vai vế bà con”. Ngoài xã hội, đối với bạn bè “thân thiết thì tao với mày”; bạn bè mới quen biết thì phải khiêm tốn gọi nhau bằng anh, bằng chị và xưng bằng “tui” (tôi) hoặc em; mới biết nhau mà gọi mày, tao là “thô lỗ”. Khi về già, không còn gọi nhau mày, tao, hoặc thằng nọ, thằng kia mà gọi nhau bằng anh, xưng “tui” thay “tao”. Ra đường cứ sang sảng mày, tao, thằng này, thằng nọ với người ít quen biết cho dù họ có nhỏ tuổi hơn mình bao nhiêu thì bị coi là kẻ “thất học”, dân “chợ búa”, dễ gây mất lòng! Người lớn tuổi gọi tên nhau là “chửi” nhau; trong trường học không dạy và không được gọi mày, tao. Chắc chúng ta cũng chưa bao giờ nghe nói Bác Hồ sử dụng ngôn từ này trong giao tiếp?

Qua đó cho thấy sự thân mật, trọng tình cảm, coi mọi người trong cộng đồng như “bà con họ hàng” trong một gia đình; không chung chung mà theo tuổi tác, địa vị xã hội, theo thời gian, không gian giao tiếp cụ thể; cách xưng hô thể hiện được hai quan hệ đối tác rõ ràng thân, quen, trên, dưới khác nhau thể hiện tính tôn ti kỹ lưỡng; theo nguyên tắc “gọi mình thì khiêm nhường, còn gọi người giao tiếp thì tôn kính” nên cùng giao tiếp, nhưng có khi cả hai cùng gọi nhau chị chị, em em, rất thân mật, tế nhị.

Hiện nay chúng ta đang ra sức xây dựng đời sống văn hóa “mới”; với “văn hóa ứng xử”, “văn hóa giao tiếp”,… nở rộ. Nhưng nội dung “mới” như thế nào ít ai biết, nhiều cái chưa rõ ràng? Trong khi những chuẩn mực giao tiếp của ông cha để lại chưa được quan tâm gìn giữ. Dễ bắt gặp cách xưng hô và gọi nhau rất lộn xộn, thiếu “tôn ti trật tự”, thiếu lễ phép, không tôn trọng nhau… dẫn đến đạo đức bị xói mòn, dễ xảy ra hành vi đối xử thiếu thân thiện, bực bội, va chạm…? Đáng lưu ý thầy giáo mày, tao với đồng nghiệp, với học trò; trai gái yêu nhau gọi mày, tao; đã thành vợ thành chồng cũng gọi mày, tao; mày, tao với anh em họ hàng bất kể vay vế, lớn nhỏ; lãnh đạo mày, tao với nhau, với cán bộ dưới quyền nơi công sở cho dù người đó tuổi tác lớn hơn mình, vắng mặt thì gọi “thằng nọ, thằng kia” bất kể người đó là ai; tuổi đáng cha biểu gọi bằng anh; người tuổi con lại gọi bằng em… sự thiếu mẫu mực của người lớn?

Mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp nếu chúng ta biết tuân thủ các nguyên tắc chuẩn mực trong giao tiếp. Hãy sử dụng ngôn từ mày, tao đúng mực thước, đúng vai vế, lịch sự, lễ phép, khéo léo, khiêm nhường, đúng hoàn cảnh nói năng, đúng mối quan hệ thân - sơ giữa người nói và người đối thoại để “văn hóa mày, tao” luôn là nét đẹp riêng có trong kho tàng văn hóa ứng xử của người Việt./.
 
Top